Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, một trong những vấn đề mà tôi quan tâm là thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực, một trong bốn chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cần chủ động hỗ trợ phát triển nhân lực sản xuất kinh doanh
Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, một trong những vấn đề mà tôi quan tâm là thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực, một trong bốn chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo dự thảo báo cáo, qua thời gian thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015 - 2010, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh có nhiều chuyển biến, thể hiện qua “Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên cả về chính trị, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý điều hành, thực thi công vụ, đảm bảo chuẩn đầu vào về trình độ, phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng, gắn liền với hạng chức danh nghề nghiệp. Đến cuối năm 2020, khối quản lý hành chính, sự nghiệp có 95% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đại học trở lên (trong đó, 60% có trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên) và 95% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung cấp trở lên; khối Đảng, Mặt trận và đoàn thể có 90% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên (trong đó, 93% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nguồn quy hoạch có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên); khối sản xuất kinh doanh có 25 - 30% người lao động có trình độ cao đẳng và trung cấp; 45 - 50% người lao động được dạy nghề ngắn hạn”.
Một trong những hạn chế, khuyết điểm của việc thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực cũng đã được dự thảo báo cáo nêu rõ, đó là “Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao”.
Mặc dù vậy, nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm này chưa được đề cập trong dự thảo báo cáo. Theo tôi, đó là việc phát triển nhân lực sản xuất kinh doanh chủ yếu do các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện. Vai trò hỗ trợ của Nhà nước chưa thể hiện rõ nét. Số liệu báo cáo cho thấy, đến nay, 2 mục tiêu của chương trình liên quan đến phát triển nhân lực sản xuất kinh doanh vẫn chưa đạt. Cụ thể: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp mới chỉ đạt 24,5%, tương ứng với 116.037 người (so với mục tiêu là 25 - 30%), tỷ lệ lao động được dạy nghề ngắn hạn đạt 42,3%, tương ứng 200.341 người (so với mục tiêu là 45 - 50%). Việc hỗ trợ của Nhà nước còn thể hiện qua kinh phí hỗ trợ. Qua số liệu báo cáo của Sở Tài chính cho thấy, đến nay, ngân sách đã chi 38,094 tỷ đồng để thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực nhưng trong đó không có kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ cho nhân lực sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, để thực hiện giải pháp “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động ổn định, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” như dự thảo báo cáo nêu, tôi đề nghị trong giai đoạn tới cần tập trung phát triển nhân lực sản xuất kinh doanh, nâng cao sự chủ động của UBND tỉnh và các sở, ngành quản lý sản xuất kinh doanh trong việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực lĩnh vực này.
Duy Nhật