Người xưa có câu "Miếng trầu là đầu câu chuyện", như nhắc nhớ về một nét đẹp văn hóa, một phong tục tồn tại bao đời của người Việt Nam. Ngày nay, tại các thôn xóm của vùng đất Diên Khánh có bề dày lịch sử vẫn hiển hiện những hàng cau trong nhịp sống đương đại.
Người xưa có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, như nhắc nhớ về một nét đẹp văn hóa, một phong tục tồn tại bao đời của người Việt Nam. Ngày nay, tại các thôn xóm của vùng đất Diên Khánh có bề dày lịch sử vẫn hiển hiện những hàng cau trong nhịp sống đương đại.
. Về nơi thủ phủ của cau
Tứ thôn Đại Điền (thuộc xã Diên Sơn, Diên Điền) và Diên Phú, những vùng đất trù phú, giàu trầm tích văn hóa và cũng là nơi được người dân gọi là thủ phủ của cây cau. Ngõ nhỏ dẫn vào nhà bà Nguyễn Thị Phi (74 tuổi, thôn 3, xã Diên Phú) một bên là ruộng lúa non xanh mơn mởn, một bên là hàng cau dẫn vào ngôi nhà chính. Nhà bà Phi hiện có khoảng 50 cây cau, trong đó 30 cây đang cho thu hoạch. “Cứ mỗi năm gia đình tôi lại bán khoán vườn cau cho thương lái với giá hơn 10 triệu đồng. Ngày thường, họ bẻ cau vào dịp trước ngày rằm và mùng 1. Gần Tết, từ 20 tháng Chạp, họ sẽ bắt đầu bẻ cau để bán cho các dịp cúng ông Công, ông Táo, cúng tất niên và Tết. Sau ngày 30 Tết, họ trả lại cây cho mình chăm sóc, qua năm mới bắt đầu mua lại”, bà Phi nói.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày chuyển mùa, bên mái đình trầm mặc rêu phong hàng trăm năm tuổi hay những căn nhà cũ ba gian ở xã Diên Điền, Diên Sơn vẫn tồn tại những hàng cau đứng thẳng tắp trước ngõ, bên bờ ao. Người ta vẫn thấy thoảng trong gió làn hương thơm dịu của hoa cau đang nở trắng. Bà Tôn Nữ Cát Khuê (thôn Đại Điền Đông 2, xã Diên Điền) cho biết: “Quá trình đô thị hóa làm cho số lượng cau giảm hơn trước nhưng nơi đây vẫn còn khá nhiều so với vùng khác. Nhà nào nhiều có hàng chục cây, nhà ít cũng dăm bảy cây. Thời gian gần đây, ngoài bán cho dịch vụ cưới hỏi, đám đình, người dân còn bán cho thương lái để tiêu thụ qua Trung Quốc nên giá cau cũng cao hơn. Nhiều gia đình hiện đã ươm giống và trồng lại cau non”.
. Giữ mãi nếp xưa
Ngôi nhà của cụ bà Nguyễn Thị Kiều (75 tuổi, thôn Vĩnh Cát, xã Suối Hiệp) nổi bật không chỉ nhờ vào sự mộc mạc, cũ kỹ với gần 100 năm tuổi mà còn vì hàng cau xưa thẳng tắp trước ngõ. Ngồi bên chái hiên ngôi nhà, bà Kiều chậm rãi kể về ký ức xưa khi Tết đến xuân về, bên cạnh việc chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh mứt trên bàn thờ gia tiên, con cháu trong nhà còn phải chú tâm chọn những buồng cau đẹp, lá trầu xanh mướt trong vườn. Một phần để bày biện trên mâm cúng tổ tiên, một phần để tiếp khách. Lúc đó, các cụ ông thường ngồi bàn trà đàm đạo, các cụ bà lại quây quần bên cơi trầu trò chuyện. “Thời nay, có nhiều loại cau cảnh với màu sắc, hình dáng khác nhau nhưng tôi vẫn nhắn nhủ con cháu giữ lại hàng cau xưa. Loài cau có thân cây nhỏ nhưng vươn cao, hiên ngang trong gió như hồn cốt, tinh thần của người dân Việt Nam từ ngàn xưa”, bà Kiều trầm ngâm.
Theo thời gian, cuộc sống đương đại với nhịp sống hối hả khiến tục ăn trầu dần mai một, nhưng văn hóa trầu cau vẫn tồn tại với người Việt trong rất nhiều sinh hoạt tâm linh cộng đồng. Đó là mâm trầu cau, lễ vật không thể thiếu trong dịp cưới hỏi, là tấm lòng thơm thảo của con cháu dâng lên tổ tiên, ông bà dịp giỗ, Tết, cúng đình. Đó như là mạch ngầm gìn giữ nét văn hóa trầu cau từ đời này sang đời khác.
Phương Dung