09:01, 27/01/2020

Lưng núi mùa xuân

Dìn uống đến bát thứ bao nhiêu rồi cũng không nhớ nữa, chỉ cảm giác tê tê rần rần quai hàm và cơn buồn ngủ kéo về cho anh biết là mình đã say.

Dìn uống đến bát thứ bao nhiêu rồi cũng không nhớ nữa, chỉ cảm giác tê tê rần rần quai hàm và cơn buồn ngủ kéo về cho anh biết là mình đã say.
 

 

 
Như mọi khi Dìn sẽ gọi Mỷ đến đón. Dìn lấy điện thoại ra định bấm mới nhớ là hai người vẫn đang giận nhau.
 
Lại thêm một lượt rượu nữa bưng ra. Mình lại uống thôi. Ờ, nhưng rồi lát sẽ gọi ai đưa mình về trên con dốc đây? Dìn nghĩ vậy khi tiếp tục lơ mơ lâng lâng hết người.
 
Dìn và Mỷ là đôi vợ chồng trẻ của bản H’Mông chỉ có gần ba chục mái nhà ở rải rác trên khoảng đất ven núi. Hai đứa cùng lớn lên, đi học tiểu học, rồi trung học cơ sở. Nhà Mỷ đông con nên hết lớp 9 thì Mỷ thôi học. Cái lý của bố mẹ đưa ra là con gái chỉ học thế là đủ, còn lấy chồng. Thế nhưng, Mỷ không chịu để cho đứa con trai nào kéo về làm vợ vì lúc nào Mỷ cũng chỉ nghĩ đến Dìn. Nhà Dìn chỉ có ba người con nên đủ ăn hơn nhà Mỷ. Bố Dìn lại biết lấy một số cây thuốc chữa bệnh mỗi khi nương rẫy xong mùa thu hoạch. Dìn học xong Cao đẳng Y tế rồi về bệnh viện huyện làm việc. Mỗi lần về nhà, Dìn vẫn thấy Mỷ đứng đón ở đầu con dốc dẫn vào bản. Lần nào cũng thế, riết rồi thành quen, thành nỗi nôn nao nếu lần nào Mỷ bận công việc không ra đón được. Đã ba mùa rẫy kể từ ngày Dìn rủ hai đứa bạn thân là Páo và Vư đứng đón ở chân con dốc đầu bản, cùng nhau kéo Mỷ về nhà làm vợ. Đang yên lành thì Mỷ nói sẽ xin đi học mầm non ở thành phố. Dìn không đồng ý vì Dìn muốn Mỷ ở nhà, lo phụ việc hái thuốc, làm rẫy, thêu váy rồi sinh con chứ đi học rồi khi nào mới có con được. Mỷ không chịu, cô nói:
 
- Người H’Mông mình, xưa giờ đi đâu vẫn có vợ có chồng mà, sao giờ Dìn lại không muốn cho mình đi học mầm non chứ?
 
- Mỷ đi học thì nả trí (1) ở nhà ai lo? Rồi còn… Dìn ngập ngừng, vặn hai bàn tay vào nhau.
 
- Còn làm sao? Bản mình có gần hai mươi đứa nhỏ, bố mẹ đi rẫy, ở nhà tự trông nhau. Mình thích học về dạy chúng học mà!
 
- Ầy! Con Mỷ đi học chỉ có hai năm, nhanh hơn ngày Dìn đi học á. Mà thỉnh thoảng nó về. Học mầm non rồi nay mai về vào dạy ở Trường Mẫu giáo Ong Vàng cạnh ủy ban nhân dân xã kìa. Có hai cô mà chăm mấy chục cháu. 
 
Ông Seo, bố Dìn ngồi hút thuốc lào bên góc bếp chậm rãi nói. Mỷ khẽ liếc sang Dìn. Dìn vẫn cau mặt, vẻ chưa thuyết phục lắm.
 
- Dìn à, mày đừng lo! Tính con Mỷ, tao biết mà. Đi thì đi, chứ nó không có người khác đâu. Còn chuyện con cái, đến lúc N’Tụ (2) cho là được mà. Ông Seo vỗ vào vai Dìn.
 
Chuyện mới chỉ vậy, chưa đâu vào đâu thì có mấy xã bị dịch sốt xuất huyết. Nhiều bệnh nhân quá, Dìn cùng anh em trực ở bệnh viện, rồi xuống xã để phun thuốc diệt muỗi, tuyên truyền cho bà con nên hai tháng sau, anh về thì Mỷ đã lên trường nhập học. Dìn giận dỗi, định nhắn tin, gọi điện rồi lại thôi. Mỗi lần Dìn trở về, cái chân trở nên ngập ngừng rồi nặng trĩu khi chạm con dốc vào bản. Về đến nhà, mọi thứ càng nhắc nhớ đến Mỷ nhiều hơn. Có những đêm không ngủ được, Dìn lại muốn có Mỷ ở bên. Thế nhưng, Mỷ lại đang ở xa, cứ nghĩ đến việc Mỷ đang cười nói vui vẻ, gặp gỡ bao người cả con trai lẫn con gái là Dìn lại thấy khó chịu trong lòng. Dìn muốn lên lắm, nhưng phần vì công việc, phần vì nhớ đến hôm đó, trót nói: “Mỷ đi được cứ đi, Dìn không quan tâm” nên ngại. Cứ dằng dai tâm trạng đó, nhiều khi Dìn thấy bải hoải cả người. 
 
- Không biết giờ Mỷ có nhớ mình không, còn giận mình không? Dìn nghĩ thế khi bước vào ngôi nhà mà Mỷ đã sống ở đây mấy tháng qua. Nhà ấy của cô họ Mỷ lấy chồng và buôn bán ở phố. Bà vừa xăng xái dẫn Dìn đến phòng của Mỷ, vừa nói liến láu:
 
- Nó đi học, 11 giờ mới về. Nó học cũng vất vả lắm, vì phải học thêm lớp cấp 3, rồi học dạy con nít nữa. Mà nó hay nhắc mày lắm, cháu rể à! 
 
Dìn ngắm chỗ ở của Mỷ: Phòng nhỏ, chỉ có chiếc giường một, chiếc bàn gỗ trên để mấy tập tài liệu, sách vở. Chiếc vali nhỏ đặt trên chiếc kệ nhỏ đầu giường. Chiếc bếp gas cá nhân, cạnh là kệ nhựa để mấy cái bát, thùng nhỏ đựng gạo. Hẳn là Mỷ cũng cô đơn lắm khi đi học xa nhà. Dìn nhớ lại anh đã từng cô đơn hàng đêm trong căn buồng nhỏ còn treo mấy cái áo váy của Mỷ, từng cô đơn trong căn phòng đầy bó cây thuốc vẫn còn chiếc khăn quấn tóc của Mỷ vắt đó. Chiếc gối nhỏ đầu giường hơi xô nghiêng, làm lộ ra chiếc áo màu xanh. Đó chính là chiếc áo anh vẫn hay mặc. Mỷ gối đầu lên nó để ngủ hay sao? Dìn ôm chiếc áo vào lòng. Tim rộn lên những nhịp đập yêu thương.
 
Từ ngoài cổng, Mỷ đã nhận ra Dìn đang loay hoay kê lại chiếc bàn bị lệch. Tấm lưng vạm vỡ của Dìn in lên sau làn áo ướt mồ hôi. Tưởng như không gian của căn phòng nhỏ đang dậy lên mùi mồ hôi quen thuộc của anh… Cô nhớ năm nào, lúc lễ cúng rẫy sắp xong, Dìn kéo Mỷ ra suối. Dòng nước trong vắt, nhìn thấy cả đàn cá bơi bên những cụm rong rêu và những viên đá cuội trắng. Lũ con gái và con trai cùng ùa xuống khoát nước trêu chọc nhau, tiếng cười đùa vang rộn cả khúc suối. Dìn kéo Mỷ đi sâu vào trong rừng. Đang là đầu mùa khô, nên rừng chưa “chín” (3) lắm. Lác đác có những chỗ lá rụng vàng rực dưới đất, những bụi le và các cây dại vẫn còn khá nhiều màu xanh. Dìn kéo tay Mỷ đặt lên vai:
 
- Để anh cõng vợ nhé!
 
 Và rồi không để cho cô kịp phản ứng, anh cõng cô lội qua hết dốc mới thả cô xuống, cả hai vừa thở vừa cùng cười phá lên. Rồi Mỷ lại nhớ những lần Dìn chở Mỷ ra bến xe để anh về huyện. Mỷ ngồi sau, vòng tay ôm ngang bụng và úp mặt vào lưng Dìn. Mỗi lần xe đi qua đoạn đường xấu, cô lại ôm chặt hơn tấm lưng ấm áp của Dìn và cười khúc khích. Ý nghĩ đó khiến cô đi như chạy và dừng lại trước cửa phòng. Dìn ngẩng đầu lên và bước nhanh ra. Nước mắt rưng rưng, Mỷ khẽ gọi tên Dìn rồi lao vào vòng tay anh. 
 
Lại thêm mùa cúng rẫy nữa đến. Trong nhà văn hóa thôn, mấy dãy bàn kê hình chữ U bao quanh khoảng giữa nền nhà trải bạt có bày các lễ vật và rượu cần. Sau phần lễ cúng, mọi người bắt đầu mời nhau vào hội. Các ché rượu đã cắm cần, mọi người lần lượt vít cần. Dìn đang ngồi kế bên thầy cúng. Mặt anh đỏ hừng hừng, ánh mắt say đắm khi nhận cần rượu từ tay vợ, cô giáo Mỷ của trường mầm non của xã đang ngồi sát bên đưa cho. 
 
Vít lần thứ nhất. Nhìn sang Mỷ… Làn môi thơm ướt mềm hơi rượu. Dìn ghé sang tai Mỷ:
 
- Pù ư! Kú hlub pù! (4)
 
Mỷ cười với Dìn bằng ánh mắt lấp lánh. Dìn vít lần thứ hai. Lại thấy trên môi ấm mềm vị ngọt mật ong. Rồi lại vít, lại trao. Tiếng nói cười, tiếng người gọi nhau nghe rộn rã, không khí ấm sực nồng nàn hơi men cùng sự ngất ngây của trời đất, cỏ cây.
 
- Xuân đến thật rồi! Để anh cõng vợ về nào! Pù ư!
 
. Truyện ngắn của Bích Thiêm
 
 
____________________________
 
(1): Nả, trí: bố mẹ.
(2): N’Tụ: trời.
(3): Rừng chín: rừng ở giai đoạn lá khô vàng, dễ cháy.
(4): Pù: vợ; pù ư: vợ ơi; kú: anh; hlub: yêu (tiếng H’Mông).