12:01, 25/01/2020

Đoàn kết - giá trị vĩnh cửu của tư tưởng Hồ Chí Minh

Mùa xuân này, Đảng ta kỷ niệm 90 năm ngày thành lập. Gần một thế kỷ kể từ ngày thành lập, Đảng đã đưa đất nước ta vượt qua mọi gian khổ, hy sinh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mở ra trang sử mới rạng ngời cho dân tộc. 

Mùa xuân này, Đảng ta kỷ niệm 90 năm ngày thành lập. Gần một thế kỷ kể từ ngày thành lập, Đảng đã đưa đất nước ta vượt qua mọi gian khổ, hy sinh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mở ra trang sử mới rạng ngời cho dân tộc. Cội nguồn của mọi chiến thắng đó chính là sự đoàn kết một lòng trong Đảng.  Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa đã để lại Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
 
. Đoàn kết - Di sản quý báu của dân tộc
 
Suốt lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành truyền thống văn hóa, một di sản quý báu cha ông ta để lại cho các đời sau. Nhờ có sự đoàn kết một lòng mà một đất nước dân không đông, nhưng đã viết nên những trang sử thần kỳ. Đó là những người dân nhỏ nhoi nhưng đã kết thành một khối, khai hoang lập làng, xây dựng nên hệ thống đê điều hoàn chỉnh bảo vệ làng mạc, đem lại ấm no cho muôn dân, xây dựng nên đất nước gấm hoa. Đó là những cuộc kháng chiến anh dũng quật cường, đánh đuổi quân giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
 

 

Bác bắt nhịp bài ca Kết Đoàn.

Bác bắt nhịp bài ca Kết Đoàn.

 
Người dân Việt Nam có ai không biết câu ca dao: “Một cây làm chẳng nên non; ba cây chụm lại thành hòn núi cao” hay thành ngữ “góp gió thành bão”?
 
Khi quân Nguyên - Mông lăm le sang thôn tính Đại Việt, vua Trần vời Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn để hỏi kế giữ nước, ông không khuyên vua xây thành cao, hào sâu mà chủ trương khoan thư sức dân, làm cho dân giàu nước mạnh, coi lòng dân hơn bất cứ thành trì nào để giữ nước. Ông xem việc đoàn kết nội bộ là nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo thành sức mạnh. Nhìn lại ba cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông thắng lợi, ông xác định đó là do: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức”.
 
Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo cũng chỉ ra nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến 10 năm “nằm gai nếm mật” đánh đuổi giặc Minh: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…”. Tình thâm ấy như thể tình cha con ở thời nào cũng vậy, các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nào cũng thế. Đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu trong văn hóa Việt Nam. Chính nhờ có truyền thống đó mà dân tộc ta mỗi khi gặp khó khăn, triệu người như một, tạo nên sức mạnh to lớn để “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”. Kẻ thù ngoại xâm dù hùng mạnh đến đâu cũng phải thất bại trước khối đại đoàn kết của dân tộc.
 
. Giá trị truyền thống gặp tinh thần cộng sản
 
Mang trong mình những giá trị đoàn kết truyền thống của cha ông, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong hành trình tìm đường cứu nước đã dễ dàng tìm đến và hấp thu trọn vẹn tinh hoa tư tưởng đoàn kết của những người cộng sản.
 
Ngay từ những năm 1920, khi còn đang bôn ba hoạt động tìm đường cứu nước ở nước ngoài, trong nhiều bài báo, bài nói chuyện, Người đã kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa người lao động ở các nước chính quốc với quần chúng nhân dân ở các nước thuộc địa. Đến với Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Người được gặp Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Các Mác và F. Ăngghen trực tiếp soạn thảo năm 1848 với khẩu hiệu bất hủ “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin đã thực sự thay đổi căn bản nhận thức về giá trị tư tưởng đoàn kết của Người. Từ đây, tư tưởng về đoàn kết của Người đã mang tầm cao mới.
 
Sau 30 năm rời quê hương đi tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước tại Pác Bó, Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Việc đầu tiên ngay khi vừa về chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam là Người soạn thảo bài thơ Lịch sử nước ta. Bài thơ gồm 208 câu thơ lục bát với tinh thần “Dân ta phải biết sử ta; cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Bài thơ là cuốn lịch sử tóm lược, diễn ca để phù hợp với tình hình hầu hết dân số nước ta mù chữ khi đó.
 
Suốt cả tập thơ lịch sử, Người luôn nhấn mạnh tư tưởng đoàn kết khi chú trọng phân tích đến sự thắng - bại của các triều đình trong đấu tranh giữ nước liên quan đến sự đoàn kết dân tộc. Thời kỳ nào mà triều đình phong kiến quay lưng lại với nhân dân, thì tất yếu khối đoàn kết dân tộc bị lỏng lẻo và thời kỳ đó đất nước, nhân dân - đồng bào thường bị lâm vào cảnh bị áp bức bóc lột. Hồ Chí Minh viết: “Kể gần sáu trăm năm giời, Ta không đoàn kết bị người tính thôn”. Hoặc “Vì dân đoàn kết chưa sâu, Cho nên thất bại trước sau mấy lần”. 
 
Nói là tổng kết lịch sử, nhưng thực chất là rút ra những bài học lớn mà cha ông để lại. Trong hoàn cảnh những năm đầu của cách mạng, bài học lớn nhất của lịch sử, theo Bác Hồ là bài học về tính cộng đồng, về tinh thần đoàn kết. Chính vì vậy, kết thúc tập thơ Lịch sử nước ta, Người viết: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên; Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau. Dân ta xin nhớ chữ đồng; Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
 
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, trong chương Bàn về cách lãnh đạo, vấn đề nổi lên hàng đầu mà Người căn dặn vẫn là cách làm việc với dân chúng, bởi “Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Người chỉ rõ có hai cách làm việc với nhân dân, cách thứ 2 là “làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”.
 
Đến khi nước nhà được độc lập, dù đất nước chia hai với hai nhiệm vụ chính trị khác nhau, thì nhiệm vụ nào cũng đòi hỏi toàn dân đoàn kết một lòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, năm 1961 có câu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Người gửi đến quốc dân đồng bào thông điệp về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết thực sự.
 
. Soi mình trước tấm gương của Người
 
50 năm thực hiện Di chúc của Người, hơn lúc nào hết, đây là dịp để tất cả chúng ta soi mình trước tư tưởng đoàn kết của Người. Trước khi Người đi về với thế giới người hiền, nỗi niềm đau đáu của Người chỉ duy nhất là độc lập dân tộc, là xây dựng Đảng đúng tầm của một Đảng cầm quyền, vì lợi ích dân tộc. Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
 
Sở dĩ Người căn dặn Đảng phải giữ đoàn kết trước nhất, bởi theo Người, cách mạng muốn thành công “trước hết phải có Đảng cách mệnh”. Đảng phải giữ truyền thống đoàn kết mới duy trì được khối đại đoàn kết dân tộc, mới đủ sức mạnh để lãnh đạo Cách mạng thành công. Di chúc của Người nói rất rõ về cội nguồn của những thành công: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
 
Người cũng chỉ rõ, đoàn kết trong Đảng là đoàn kết dựa trên tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, bằng tinh thần yêu thương đồng chí, không phải xuê xoa, bằng mặt nhưng không bằng lòng để giữ lấy chữ đoàn kết. Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
 
Để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và cả dân tộc, Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng phải có trí tuệ, cách mạng, phải tiêu biểu cho khối đoàn kết. Người còn nhắc nhở: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”.
 
Thực tiễn cách mạng Việt Nam 90 năm qua đã chứng tỏ sức sống diệu kỳ và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó được thể hiện qua đường lối của Đảng, để rồi biến thành hành động của hàng triệu quần chúng, tạo nên sức mạnh đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn để có ngày hôm nay. Thực tế đất nước những năm qua đã chỉ ra rằng, nơi nào và khi nào đại đoàn kết được quán triệt, thực hiện đúng thì nơi đó, khi đó cách mạng đi lên, còn nơi nào xa rời tư tưởng đại đoàn kết thì nơi đó cách mạng gặp khó khăn và tổn thất. Bài học kinh nghiệm đó tiếp tục được Đảng ta đúc rút để kịp thời bổ sung vào đường lối đổi mới, những luận điểm chiến lược theo tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh.
 
Trần Duy