10:10, 29/10/2021

Chuyện phạt chuyện thưởng

Dư luận đang hào hứng theo dõi và góp ý việc Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Dân số. Trong đó có nội dung về các biện pháp khuyến khích sinh đủ 2 con tại 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Theo đó, dự thảo đề ra các biện pháp thật hấp dẫn như: Nhà nước hỗ trợ 1 lần bằng tiền ít nhất tương đương 1 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ....

Dư luận đang hào hứng theo dõi và góp ý việc Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Dân số. Trong đó có nội dung về các biện pháp khuyến khích sinh đủ 2 con tại 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Theo đó, dự thảo đề ra các biện pháp thật hấp dẫn như: Nhà nước hỗ trợ 1 lần bằng tiền ít nhất tương đương 1 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương 2 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai. Cặp vợ chồng cam kết sinh đủ 2 con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập…


Mới đây cỡ chục năm trước chớ đâu, ai vi phạm chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thì đúng là… mắc trọng tội. Cán bộ, đảng viên làm trong cơ quan nhà nước thì bị kiểm điểm lên xuống, cắt tuột thi đua, nhận hình thức kỷ luật, cơ quan có người vi phạm coi như tay trắng năm đó. Còn ở quê, chính quyền cứ chơi... chắc ăn là phạt tiền. Vậy mới có chuyện cười… ra nước mắt vào năm 1987, ở một tỉnh miền Trung, có ông bố sinh con thứ 5 nên chính quyền xã phạt 6.500 đồng, xin mãi không được, ức quá đi khai sinh cho con, ông đặt luôn tên cho con là Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi.


Vì sao mà trong thời gian ngắn, chuyện sinh đẻ từ phạt quay sang thưởng vậy? Vì sao người ta ngại sinh con? Có thể các nhà xã hội học hoặc chuyên gia dân số giải thích lớp lang, chặt chẽ, chứ hỏi những người đang độ tuổi sinh nở thì chỉ nhận được câu trả lời giống nhau: Áp lực kiếm sống nặng quá, nuôi được 1 đứa nhỏ đủ đuối chớ nói chi 2.


Quả thực ở thành phố, lớp thanh niên làm văn phòng, công sở thường kết hôn rất muộn. Kết hôn rồi kế hoạch đủ điều cho đến khi những dự tính phải đạt được, nào là học thêm để thăng tiến, nào nỗi lo kiếm nhà ở… Những người rời quê làm công nhân thì còn phải tăng ca thêm thu nhập, kiếm tiền gửi về quê phụ giúp gia đình. Việc lo cho một đứa trẻ ăn, đi học… quả thực là gánh nặng quá lớn với rất nhiều người. Ở quê cũng không khá hơn, bởi đa số thanh niên tính đường rời quê kiếm sống chứ đâu mấy ai chịu yên phận ở quê làm ruộng.


Thời thế thay đổi nhanh quá, mới đó mà nhiều nơi hứa thưởng cho những ai sinh con một bề (vì sợ cố sinh để tìm con trai nối dõi) rồi giờ đây đã phải tính chuyện thưởng, khuyến khích sinh cho đủ cặp. Mới hay điều kiện kinh tế chính là cái van điều tiết chuyện sinh đẻ lạnh lùng nhất. Qua rồi cái thời quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ”, cứ vô tư mà sinh con, bầy con trứng gà trứng vịt, đứa lớn chăm đứa nhỏ. Ngày nay đón một đứa con ra đời là cả một vấn đề, nhỏ thì lo chuyện uống sữa gì cho trẻ thông minh, gửi nhóm trẻ nào để trẻ được chăm tốt nhất, sau đăng ký hộ khẩu sao để chọn được trường học vừa tốt, vừa tiện đưa đón…


Mới ngày nào, cứ nghĩ chuyện khuyến khích sinh con, sinh con được Nhà nước bao cấp toàn bộ là chuyện của các nước Âu - Mỹ, do đời sống quá cao, người ta không muốn sinh con để tận hưởng cuộc sống. Hay cứ nghĩ anh hàng xóm khổng lồ hơn tỷ dân, sau bao nhiêu năm thực hiện chính sách dân số khắc nghiệt mỗi gia đình chỉ 1 con, cơ cấu dân số thay đổi trầm trọng, mới tá hỏa mở cửa khuyến khích sinh đủ 2 con… Có bao giờ nghĩ đến lúc ở mình cũng vậy?


Không có lẽ hình ảnh ông bà ngồi chơi với đàn cháu nội ngoại đã trở thành quá khứ, mà thay vào đó là hình ảnh 4 ông bà nội ngoại ngồi bên nhau, cùng lo chăm 1 đứa cháu duy nhất?


Bây giờ, sinh đủ con là có trách nhiệm với đất nước!


Thủy Ngân