Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 26-7, toàn bộ chợ truyền thống trên địa bàn TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) phải tạm ngừng kinh doanh.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 26-7, toàn bộ chợ truyền thống trên địa bàn TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) phải tạm ngừng kinh doanh. Trong các cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương phối hợp với ngành công thương đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội, nhất là ở các khu vực bị phong tỏa.
So với Ninh Hòa, Vạn Ninh, việc đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân TP. Nha Trang sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi các chợ tạm ngừng kinh doanh. TP. Nha Trang có hơn 500.000 người, trong đó có đến 70% dân số ở đô thị. Chính vì vậy, ngay từ khi đặt ra vấn đề tạm dừng kinh doanh các chợ đã có những sự lo ngại nhất định về khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân Nha Trang. Tuy nhiên, lãnh đạo TP. Nha Trang và ngành công thương vẫn đặt niềm tin vào khả năng cung ứng của hệ thống siêu thị, cửa hàng Bách hóa Xanh (BHX), cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP. Nha Trang, trên địa bàn thành phố có 7 siêu thị lớn (3 siêu thị Vinmart, Co.opmart, Lotte Mart, Go! Nha Trang và Mega Market), 26 cửa hàng BHX, 18 cửa hàng Vinmart+ và một số cửa hàng tiện lợi khác. Để phục vụ nhu cầu của người dân, TP. Nha Trang đã thực hiện việc phát phiếu cho người dân đi siêu thị, cửa hàng BHX, cửa hàng tiện lợi theo tần suất 4 ngày/lần kể từ ngày 26-7; các phiếu được chia theo khu vực và khung giờ sáng, chiều, tối. 27 xã, phường của TP. Nha Trang đã được chia thành 11 khu vực, trong đó người dân ở Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Phước Đồng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hải, Vĩnh Lương… chỉ được mua sắm ở các cửa hàng BHX, cửa hàng tiện lợi. Qua 2 ngày thực hiện, việc đi mua sắm theo khu vực và khung giờ đã bộc lộ một số bất cập nhất định. Các siêu thị với không gian rộng, lượng hàng hóa dồi dào nhưng do phân tuyến nên lượng khách không nhiều. Trong khi đó, hệ thống cửa hàng BHX và cửa hàng tiện lợi đã không cung ứng đủ nhu cầu mua sắm thiết yếu của người dân, đặc biệt là những người đi vào khung giờ buổi tối. Chẳng hạn, ông T.V.Đ (phường Phước Tân) phản ánh, tối 26-7 ông đi 3 cửa hàng BHX nhưng thịt, cá, trứng đều hết, chỉ còn một ít trái cây và rau củ. Anh L.M.C (phường Phước Long) cho biết, tối 26-7, anh đi mua hàng ở BHX ở góc đường Lê Hồng Phong - Trương Hán Siêu nhưng hàng còn rất ít. Nhiều người dân đến mua hàng đã đòi phiếu để đi cửa hàng khác. Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người dân cũng phản ánh tình trạng khan hiếm hàng vào khung giờ buổi tối ở BHX và các cửa hàng tiện lợi khác.
Việc TP. Nha Trang phát phiếu cho người dân đi siêu thị, cửa hàng BHX, cửa hàng tiện lợi theo khu vực và khung giờ là chủ trương rất đúng đắn để đảm bảo việc thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, TP. Nha Trang và ngành công thương cần làm việc với các siêu thị, cửa hàng BHX, cửa hàng tiện lợi để chuẩn bị đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần có sự điều tiết linh động trong việc cung ứng hàng hóa. Các doanh nghiệp kinh doanh cần tăng cường hàng hóa và nhân lực cho những cửa hàng BHX, cửa hàng tiện lợi ở khu vực không có siêu thị để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu của người dân. Các doanh nghiệp cũng phải có phương án phân chia để cung ứng hàng hóa đầy đủ cho cả 3 khung giờ sáng, chiều, tối, không nên để những người nhận phiếu đi buổi tối chịu nhiều thiệt thòi vì chỉ còn lèo tèo vài mặt hàng như 2 ngày qua. Nếu cần thiết, các siêu thị, cửa hàng BHX… có thể quy định mức tối đa về lượng hàng được mua theo 1 phiếu.
Trong khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân cần phải cùng nhau chia sẻ sự khó khăn để vượt qua đại dịch, trong đó có sự chia sẻ trong việc mua hàng hóa. Theo đó, người dân Nha Trang khi đi siêu thị, cửa hàng nên cân nhắc khi mua lương thực, thực phẩm làm sao cho vừa đủ, không nên gom hàng quá nhiều dẫn đến những người đi sau không còn gì để mua. Việc tạm dừng hoạt động kinh doanh các chợ để làm công tác phòng, chống dịch chỉ trong thời gian ngắn nên không cần thiết phải trữ hàng hóa quá nhiều dẫn đến sự khan hiếm cục bộ.
NHẬT LỆ