11:11, 22/11/2020

Làm theo phong trào…

Phong trào, theo từ điển Tiếng Việt, đó là một hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội lôi kéo được đông đảo quần chúng tham gia. Thế nhưng thời gian qua, xu hướng làm kinh tế theo phong trào ở nước ta lại đang nổi rõ trong quá trình phát triển.

Phong trào, theo từ điển Tiếng Việt, đó là một hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội lôi kéo được đông đảo quần chúng tham gia. Thế nhưng thời gian qua, xu hướng làm kinh tế theo phong trào ở nước ta lại đang nổi rõ trong quá trình phát triển.


Có thể điểm lại các “phong trào” của các tỉnh thời gian qua: Chương trình mía đường với mục tiêu 1 triệu tấn đường khoảng năm 1990, mỗi tỉnh có vùng chuyên canh mía và một vài nhà máy đường. Để tăng thu ngân sách, mỗi tỉnh đua nhau xây dựng một nhà máy bia. Rồi mỗi tỉnh đều xin Trung ương đầu tư 1 cảng biển, 1 sân bay dù chỉ cách nhau trăm cây số. Khoảng năm 2000 đến nay là phong trào làm thủy điện vừa và nhỏ, hiện các con sông ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều cõng vài ba thủy điện. Hệ lụy từ những “phong trào” này như thế nào, thiết nghĩ không cần nói thêm.


Gần đây nhất là phong trào làm nhà máy điện mặt trời. Các nhà đầu tư đua nhau đầu tư, đi vào phát điện trước ngày 31-12-2020 để hưởng ưu đãi của Nhà nước. Các tỉnh Nam Trung Bộ như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên... trở thành trung tâm các nhà máy điện mặt trời. Riêng trên địa bàn Khánh Hòa tính đến hiện tại có khoảng 30 dự án, trong đó 6 dự án đã hoàn thành và đóng điện vận hành. Tổng công suất của các nhà máy điện này đạt 260MWp, tập trung tại TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Còn có 24 dự án trải đều tại các địa phương, chỉ trừ 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Nhiều dự án có quy mô đầu tư vài ngàn tỷ đồng như dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Vạn Ninh công suất 100MWp, diện tích 120ha, tổng mức đầu tư 2.489 tỷ đồng; Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn công suất 170MWp, tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng.


Khai thác năng lượng tái tạo đang là xu hướng chung của thế giới, Việt Nam quanh năm nắng thì rõ ràng đây là một xu hướng tốt. Vấn đề là sau này sẽ xử lý những tấm pin mặt trời khi hết hạn sử dụng như thế nào thì chưa thấy ai đề cập. Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) dự báo đến năm 2050, trên thế giới có 78 triệu tấn tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng, mỗi năm sẽ thải thêm 6 triệu tấn. Nếu không tìm ra cách tái chế để thu hồi kim loại quý thì đành phải… đem chôn.


Một nhà nghiên cứu đã nói, chẳng có gì là sạch! Cứ lấy ví dụ như việc tái tạo năng lượng mặt trời vừa đề cập. Đúng là so sánh với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì quá sạch. Nhưng xử lý pin hết hạn sau này thì sao? Hay như phong trào hô hào ủng hộ xe chạy điện, họ cố tình quên bộ ắc quy không sinh ra điện, chỉ là nơi trữ điện, vẫn phải sạc điện từ các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch và sau này xử lý bộ ắc quy hết hạn là cả một vấn đề.


Thôi thì trước mắt cứ theo xu hướng, phong trào để không bị tụt lại. Bài toán môi trường… sẽ để dành cho thế hệ sau nghiên cứu, xử lý!


Thủy Ngân