Máy ATM gạo đầu tiên đã có ở Nha Trang vào ngày hôm qua (16-4), đem lại niềm vui cho nhiều người. Người tài trợ vui một, người nghèo vui mười, bởi giữa lúc khó khăn, tình người vẫn lan tỏa. Theo thông báo của Hội Chữ thập đỏ TP. Nha Trang, đơn vị đã quyên góp được hơn 30 tấn gạo.
Máy ATM gạo đầu tiên đã có ở Nha Trang vào ngày hôm qua (16-4), đem lại niềm vui cho nhiều người. Người tài trợ vui một, người nghèo vui mười, bởi giữa lúc khó khăn, tình người vẫn lan tỏa. Theo thông báo của Hội Chữ thập đỏ TP. Nha Trang, đơn vị đã quyên góp được hơn 30 tấn gạo. Có thể thấy, máy ATM không chỉ phát gạo mà còn nhận những tấm lòng thơm thảo, biết sẻ chia với người nghèo. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” là vậy…
Những ngày này, TP. Nha Trang cũng đã xuất hiện nhiều hơn những địa chỉ từ thiện. Những suất cơm miễn phí, những phần quà thiết thực… đủ để làm ấm lòng và tiếp thêm nghị lực cho những người nghèo vốn đã vất vả chạy ăn từng bữa, giờ dịch bệnh kéo dài càng thêm lao đao hơn.
Hơn bao giờ hết, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt càng được nhân cao hơn trong những lúc như thế này.
Những sự ủng hộ như thế này rất cần thiết, dù chỉ tạm thời nhưng có thể giúp người khó khăn vượt qua lúc ngặt nghèo. Người dân cũng đang mong chờ được tiếp cận với gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, được triển khai trong tháng 4. Theo đó, có 7 nhóm đối tượng được hỗ trợ, với nguyên tắc chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 gây ra; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm nguyên tắc chia sẻ khó khăn, nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm, trong đó Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần với mức phù hợp với khả năng nguồn lực.
Việc xác định đúng đối tượng, không để bị trục lợi cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Với nguồn kinh phí lớn, chi cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, cần có những bước đi cụ thể và làm thế nào để tiền hỗ trợ không “đi lạc” là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Để làm được điều này, cần sự giám sát của toàn xã hội. Căn bản, phải có sự thống nhất, công khai, công bằng. Việc rà soát đối tượng, nhất là những nhóm lao động cơ bản như: bán hàng rong, xe ôm, bán vé số… cũng sẽ rất phức tạp và khó khăn. Nhưng theo tinh thần của Thủ tướng, khó mấy cũng phải làm, bởi trong cuộc chiến chống dịch, nhất định không để ai bị bỏ lại phía sau.
Người Việt Nam vốn có tinh thần tương thân tương ái. Như chiếc máy ATM gạo, như những hoạt động từ thiện từ khi có dịch bệnh đến nay với phương châm “nếu bạn cần, xin hãy lấy một phần; nếu bạn ổn, xin hãy nhường người khác”. Với gói hỗ trợ an sinh xã hội cũng vậy, nếu mỗi người đều làm tốt vai trò giám sát thì tiền sẽ đến đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng người đang cần.
Quan trọng là cách làm, phải vừa nhanh vừa chính xác, đảm bảo. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ ban hành Thông tư chi tiết hóa một bước nữa chủ trương này để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể. Người dân đang mong chờ sự hỗ trợ ấy, nên để hiệu quả cần nhiều hơn sự quyết tâm và giải quyết linh hoạt của chính quyền, đừng để chậm trễ.
HẢI NGUYỆT