Có thể nói, Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030...
Có thể nói, Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ ban hành là bước thể chế hóa quan trọng nhằm triển khai thực hiện một chiến lược lớn của Đảng về phát triển kinh tế biển nước ta, tiếp nối sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đánh giá: Nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được triển khai chủ động, toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện...
Liên tục tiến trình đó, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thống nhất tư tưởng, nhận thức: biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Đồng thời, xác định Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực về biển và đại dương.
Theo kế hoạch của Chính phủ, vùng biển và ven biển duyên hải Trung Bộ, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận tập trung phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch; phát triển các trung tâm du lịch lớn; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá. Riêng tỉnh Khánh Hòa nằm trong các danh mục xây dựng và phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao; phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển, trong đó có cải tạo, nâng cấp một số tuyến luồng hàng hải quan trọng; phục hồi, nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm văn hóa biển đặc trưng; đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia; đầu tư đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt; thực hiện quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển...
Chúng ta đều biết, biển là cái nôi của sự sống, có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Diện tích bề mặt trái đất được biển bao phủ khoảng hơn 70%; tỷ trọng giao dịch thương mại toàn cầu thực hiện qua đường biển khoảng 90%; tài nguyên thiên nhiên ẩn chứa trong lòng đại dương khoảng 80%. Tuy loài người đã có nhiều công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, nhưng tiềm năng trong lòng đại dương vẫn còn nhiều bí ẩn, cần khám phá. Kinh tế biển, từ lâu, thực sự là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của mỗi quốc gia. Hiện nay, thuật ngữ kinh tế biển thường gắn với thuật ngữ kinh tế xanh, với hàm ý nhấn mạnh tính bền vững trong phát triển.
PHONG NGUYÊN