Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức. Phương án đầu tiên là bổ sung vào bộ luật này quy định: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước".
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức. Phương án đầu tiên là bổ sung vào bộ luật này quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút. Phương án hai, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không nêu trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. Đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, các địa phương do chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
Qua theo dõi trên báo chí, đối với phương án 1 hiện có 2 luồng ý kiến, ủng hộ và phản đối. Những người ủng hộ hầu hết là công chức trên địa bàn Hà Nội, nơi địa bàn rộng, kẹt xe thường xuyên nên hầu hết cán bộ, công chức từ lâu nay đã ở lại buổi trưa. Và tại đây, bao nhiêu năm nay để phục vụ đối tượng này, một hệ thống dịch vụ cơm văn phòng, quán ăn vỉa hè… đã phát triển đến mọi ngõ ngách. Những người phản đối chủ yếu thuộc về các tỉnh, thành khác. Ở các tỉnh, thành, nhất là các huyện, các xã chưa có hệ thống dịch vụ cơm văn phòng, hơn thế thu nhập cũng còn khiêm tốn, khó có thể dành một khoản tiền để ăn trưa tại chỗ. Quy định vậy sẽ kéo theo các trụ sở cơ quan biến thành nhà ăn tập thể với lỉnh kỉnh cặp lồng cơm trưa như thời bao cấp. Hơn thế, giờ giấc đón con cái đi học sẽ như thế nào, đâu phải các địa phương đều đã thực hiện được học ngày 2 buổi có bán trú, số cán bộ, công chức này sẽ đưa đón con ra sao?
Nên chăng, luật lao động chỉ quy định chung là 1 tuần làm việc bao nhiêu ngày, 1 ngày mấy giờ… Còn chi tiết thời gian bắt đầu và kết thúc nên để UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị tự quy định cho phù hợp với thực tế. Luật không nên quy định những điều quá chi tiết.
T.N