09:12, 27/12/2018

Nhà báo và mạng xã hội

Hội Nhà báo Việt Nam vừa công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Quy tắc này có 3 chương, 7 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019; được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Hội Nhà báo Việt Nam vừa công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) của người làm báo (NLB) Việt Nam. Quy tắc này có 3 chương, 7 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019; được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp NLB Việt Nam.


Bao trùm cả nội dung 4 việc cần làm trong Quy tắc sử dụng MXH là dùng, sử dụng tài khoản MXH của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước. Và, một trong 8 việc, điều NLB Việt Nam không được làm khi tham gia MXH là đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên MXH, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân NLB đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác...


Dễ thấy, Quy tắc sử dụng MXH của NLB Việt Nam hướng NLB sử dụng MXH theo mục đích vì lợi ích chung của xã hội, của đất nước, không vì mục đích không trong sáng, vụ lợi.


Chúng ta biết rằng, thông tin của MXH là rất phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Báo chí truyền thống sàng lọc, kiểm chứng thông tin trước khi xuất bản. MXH thì ngược lại. Mối nguy hiểm là ở đó. Người tham gia MXH phải hết sức hiểu biết, tỉnh táo để sàng lọc thông tin một cách có trách nhiệm. NLB càng phải kỹ lưỡng, tỉnh táo, có trách nhiệm. Bởi, như trên đã nói, NLB là người có nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Thực tế cho thấy, hiện đã hình thành mối quan hệ khá chặt chẽ giữa báo chí chính thống với MXH, khiến một số người ngộ nhận rằng MXH đang trở thành “quyền lực thứ 5” sau báo chí. Đây là cách nhìn nhận hết sức phiến diện, sai lầm. NLB lại càng phải tỉnh táo, để tránh ngộ nhận đáng tiếc. Mỗi tờ báo đều có tôn chỉ, mục đích riêng của mình. Và, cả nội dung lẫn hình thức thể hiện của tờ báo đều phải tuân thủ nghiêm ngặt đường hướng ấy. MXH thì không.


Thời gian qua, đại đa số NLB đã làm tốt chức năng dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội bằng những quan điểm đúng đắn, mang tính tích cực trên MXH. Tuy nhiên, vẫn còn một số NLB đưa ra quan điểm cá nhân tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt tới dư luận xã hội, làm suy giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của NLB Việt Nam.


Như trên đã nói, MXH là một thực tế, nhà báo không thể không tham gia. Không phải ngẫu nhiên mà trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp NLB Việt Nam được triển khai thực hiện từ ngày 1-1-2017 cùng với việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016, tại Điều 5 có quy định: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác”. Để có “chuẩn mực” và “trách nhiệm”, NLB phải thực sự thấm nhuần bài học “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm” trong tư tưởng Hồ Chí Minh.


Có thể nói, Quy tắc sử dụng MXH của NLB Việt Nam đã thêm một bước cụ thể hóa Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp NLB Việt Nam. Mỗi NLB soi rọi vào đó để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cũng như xác định rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi tham gia MXH theo hướng là một công dân; một thành viên MXH và là người định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Bên  cạnh đó, các cơ quan báo chí có thêm công cụ để quản lý phóng viên của mình trong việc tham gia MXH.


PHONG NGUYÊN