Chúng ta đều biết, Viện Hải dương học (HDH) Nha Trang, tiền thân là Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (Service océanographique des pêches de l'Indochine), được thành lập ngày 14-9-1922, với mục tiêu "Khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá ở Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa (Paracels), ...
Chúng ta đều biết, Viện Hải dương học (HDH) Nha Trang, tiền thân là Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (Service océanographique des pêches de l’Indochine), được thành lập ngày 14-9-1922, với mục tiêu “Khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp với việc đánh cá ở Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratly) và Biển Hồ ở Campuchia để xác định chiến lược cho nghề khai thác cá ở Đông Dương. Đồng thời triển khai nghiên cứu các công nghệ chế biến và nuôi trồng hải sản”. Nha Trang là địa điểm lý tưởng để viện đứng chân, thực hiện mục tiêu mang tính chiến lược đó.
Ngay sau khi thành lập, với sự tham gia của con tàu De Lanessan, Viện HDH Nha Trang đã tiến hành nghiên cứu và thu thập thông tin biển ở nhiều vùng biển khơi Việt Nam. Cho tới sau năm 1975, Viện HDH Nha Trang là lực lượng nòng cốt trong điều tra nghiên cứu biển. Theo đặt hàng của các địa phương, doanh nghiệp, Viện HDH Nha Trang đã xây dựng cơ sở khoa học - kinh tế - xã hội và công nghệ để khai thác, quản lý và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Từ những năm 1980, Viện HDH Nha Trang đã quan tâm nghiên cứu phát triển các đối tượng nuôi trồng thủy sản. Kiến thức cơ bản trong nghiên cứu của viện được ứng dụng vào thực tiễn và phát triển công nghệ luôn mang lại hiệu quả cao.
Viện trưởng Viện HDH Nha Trang, PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn cho biết, viện đang cố gắng thực hiện mục tiêu khảo sát điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật, kết hợp xây dựng ngành nghề khai thác hải sản ở Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm xác định chiến lược cho nghề khai thác cá ở Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Viện đang chú trọng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản vào thực tiễn khai thác hợp lý tài nguyên sinh vật và phi sinh vật phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và gìn giữ an ninh quốc phòng trên biển.
Thực hiện nhiệm vụ được giao và theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Viện HDH Nha Trang đã tổ chức thực hiện nhiều đề tài điều tra, nghiên cứu quy hoạch và triển khai công nghệ ở các địa phương vùng biển, ven bờ của cả nước, mang lại hiệu quả thiết thực. Về khoa học ứng dụng và công nghệ biển, viện sẽ tăng cường liên kết với các địa phương và doanh nghiệp nhằm chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thân thiện môi trường, phục hồi hệ sinh thái và nguồn lợi sinh vật, cung cấp các thông số kỹ thuật phục vụ thiết kế, xây dựng các thủy công trình và bảo vệ môi trường biển.
Ngành nghề khai thác hải sản của Việt Nam nói chung, của Khánh Hòa nói riêng đang đứng trước nhiều thời cơ nhưng cũng đầy thách thức. Khánh Hòa là địa phương có vùng biển rộng lớn, gồm cả vùng biển Trường Sa, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế biển cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Phối hợp, liên kết tốt với Viện HDH Nha Trang, Khánh Hòa có thêm nhiều dữ liệu về điều kiện tự nhiên và nguồn lợi sinh vật biển; về triển vọng khai thác hải sản ở Biển Đông. Những dữ liệu quý giá này là nền tảng quan trọng trong xây dựng chiến lược, chương trình phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để viện có điều kiện tổ chức tốt hơn các đợt khảo sát trên quy mô lớn; có nhiều công trình khoa học đủ tầm nhằm nâng cao tri thức và khẳng định sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên Biển Đông.
PHONG NGUYÊN