10:05, 13/05/2018

Niềm tin và hy vọng!

Suốt tuần qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã hướng về Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 họp từ ngày 7 đến 12-5 với sự quan tâm đặc biệt. Bởi hội nghị kỳ này đã bàn đến những vấn đề cội rễ nhất của cuộc sống, ảnh hưởng đến hầu hết các tầng lớp xã hội, quyết định sự phát triển của đất nước trong tình hình mới: công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Suốt tuần qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã hướng về Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 họp từ ngày 7 đến 12-5 với sự quan tâm đặc biệt. Bởi hội nghị kỳ này đã bàn đến những vấn đề cội rễ nhất của cuộc sống, ảnh hưởng đến hầu hết các tầng lớp xã hội, quyết định sự phát triển của đất nước trong tình hình mới: công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.


Với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, những người làm công ăn lương thì vấn đề cải cách chế độ tiền lương được quan tâm theo dõi với niềm tin và hy vọng.


Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Phải coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động”.


Tuy nhiên, để cải cách được chế độ tiền lương, việc trước tiên phải là cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, không thể cải cách tiền lương với bộ máy cồng kềnh như hiện nay. Trong bài phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư cũng nêu rõ: “Cải cách chính sách tiền lương phải gắn liền với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án đổi mới, cải cách trong các lĩnh vực có liên quan khác…”.


Như vậy có thể thấy, con đường cải cách chính sách tiền lương còn rất dài, rất phức tạp, bởi hiện nay việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu lực, hiệu quả còn gặp không ít khó khăn.


Tinh gọn bộ máy phải luôn đi liền với đổi mới phương thức hoạt động, phương thức lãnh đạo. Đảng ta đã nhận thức được vấn đề này từ rất sớm và đã có nhiều nghị quyết về sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với đổi mới phương thức hoạt động. Đó là các nghị quyết: Hội nghị Trung ương 3 khóa VII năm 1992; Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII năm 1999; Nghị quyết Trung ương 4 khóa X năm 2006 và gần đây nhất là Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị khóa XII năm 2015 về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức… Thế nhưng càng ngày bộ máy càng phình to, cồng kềnh, chức năng chồng chéo, số biên chế cả nước không giảm mà lại tăng thêm qua mỗi một năm.


Sở dĩ có tình trạng này là do Nghị quyết của Đảng không có chế tài thực hiện. Nghị quyết thì rất rõ ràng, nhưng khâu thực hiện lại là chuyện khác. Đơn vị, địa phương làm tốt công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế không được biểu dương, cũng giống như các đơn vị, địa phương không triển khai thực hiện, để phình biên chế, không bị nhắc nhở, không bị kỷ luật.


Vẫn biết, vấn đề sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện nay đang hết sức phức tạp, vì nó trực tiếp động chạm đến quyền lợi của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng không sắp xếp, không tinh gọn thì không thể nghĩ đến cải cách chế độ tiền lương.


Với quyết tâm chính trị cao của Trung ương Đảng, nhân dân tin tưởng và hy vọng vào những quyết sách mang tính đột phá tại hội nghị này. Những vấn đề đặt ra đều hết sức cấp thiết, có giải pháp thực hiện khoa học và có lộ trình cụ thể. Đặc biệt là bài học kinh nghiệm từ thực tiễn sống động đã được Đảng tiếp thu, chọn lọc để xây dựng nên các quyết sách.


Thủy Ngân