Bắt đầu từ ngày 1-5, trong 3 ngày đầu tiên Trạm BOT Ninh Lộc thực hiện thu phí theo mức quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trạm đã phải xả trạm hơn 40 lần do tài xế phản ứng, không chịu di chuyển.
Bắt đầu từ ngày 1-5, trong 3 ngày đầu tiên Trạm BOT Ninh Lộc thực hiện thu phí theo mức quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trạm đã phải xả trạm hơn 40 lần do tài xế phản ứng, không chịu di chuyển.
Vì sao trạm BOT này sau một thời gian yên ắng, lại xảy ra tình trạng này? Lý do đơn giản, kể từ ngày 1-5, trạm phải thu theo quy định mới của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Phương án thu trước đây là miễn giảm 100% cho các loại xe theo quy định của 16 xã, phường thuộc Ninh Hòa đã được chủ đầu tư bàn bạc và được người dân, chính quyền địa phương đồng thuận, nhưng không được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp nhận! Tổng cục yêu cầu những xe của 8 xã, phường lân cận được giảm 50%, còn lại thực hiện thu bình thường.
Nhìn lại quá trình giải quyết những bất đồng ở Trạm BOT Ninh Lộc, chúng ta có thể ghi nhận tinh thần cầu thị của chủ đầu tư. Khi xảy ra bất đồng, chủ đầu tư đã biết tiếp thu những ý kiến đóng góp để xây dựng nên phương án mới trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thiết nghĩ, đây là phương án hợp lý, hợp tình. Hợp lý bởi số lượng xe của Ninh Hòa được miễn giảm thực ra không nhiều, không ảnh hưởng nhiều đến số thu của trạm.
Mà trạm đặt trên quốc lộ, mục tiêu thu phí phải hướng đến dòng xe xuôi ngược Bắc Nam ngày đêm, vốn là những xe thực sự sử dụng cả chiều dài toàn tuyến, từ Ninh Lộc đến đèo Cả. Hợp tình ở chỗ những xe của người dân địa phương nếu có chạy vào Nha Trang, thì từ trung tâm thị xã ra đến trạm cũng chỉ khoảng 5km, sao bắt các xe này chịu phí của cả tuyến!
Trả lời trên báo chí, chủ đầu tư cho biết đã có văn bản cho Bộ Giao thông vận tải, đề nghị cho phép nhà đầu tư được thu phí từ ngày 5-5 theo phương án đã được người dân và chính quyền địa phương đồng thuận. Trường hợp Bộ Giao thông vận tải không thống nhất, nhà đầu tư đề nghị xem xét lại phương án tài chính theo hướng bố trí nguồn vốn từ ngân sách hoàn lại cho nhà đầu tư, hoặc đề nghị bộ tổ chức thu phí.
Chính sách nào khi đưa ra cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Thiết nghĩ một phương án thu đã được người dân và chính quyền địa phương đồng thuận, đảm bảo hợp lý, hợp tình thì hà cớ gì phải thay đổi để tạo nên bất ổn không đáng có?
Thủy Ngân