Cơn bão số 12 đã khiến ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhất là ngư dân nuôi tôm, cá ở các lồng bè. Bên cạnh sức gió lớn, nguyên nhân khiến các lồng bè bị thiệt hại nặng là do cơ sở vật chất các lồng bè quá sơ sài, chưa được đầu tư bài bản nên không có sức chịu đựng bão lớn.
Cơn bão số 12 đã khiến ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhất là ngư dân nuôi tôm, cá ở các lồng bè. Bên cạnh sức gió lớn, nguyên nhân khiến các lồng bè bị thiệt hại nặng là do cơ sở vật chất các lồng bè quá sơ sài, chưa được đầu tư bài bản nên không có sức chịu đựng bão lớn. Để có vốn đầu tư cơ sở vật chất, ngư dân phải vay ngân hàng. Nhưng đa số ngân hàng không dám cho vay vì hoạt động NTTS tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với NTTS hầu như chưa có.
Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định 89 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67 đã giúp hàng trăm ngư dân trên cả nước nói chung và ngư dân Khánh Hòa nói riêng được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi đóng mới tàu cá để vươn khơi. Những chiếc tàu kiên cố, hiện đại, trị giá hàng chục tỷ đồng được đóng mới đã giúp ngư dân bám biển dài ngày, bảo quản thủy sản tốt hơn, làm kinh tế thuận lợi hơn.
Trong khi đó, ngư dân NTTS phải tự bỏ vốn đóng lồng bè. Do nguồn vốn hạn hẹp nên họ chỉ có thể đóng những chiếc lồng, bè đơn giản, sơ sài. Sau cơn bão số 12, ngành Nông nghiệp tỉnh gợi ý ngư dân ứng dụng công nghệ làm lồng bằng nhựa HDPE (kiểu lồng Na Uy) với nhiều tính năng vượt trội. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng nhựa HDPE tại các vùng nuôi chính như: huyện Vạn Ninh, TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh để người dân nắm bắt và tham quan học tập. Đây là một tin vui. Tuy nhiên, điều mà ngư dân quan tâm hiện nay là vốn ở đâu để đóng được những chiếc lồng kiểu Na Uy có giá thành khá cao? Ngư dân đang mong một chiến lược dài hơi với những chính sách ưu đãi để phát triển từ các bộ, ngành Trung ương.
Tâm huyết với vấn đề này, ông Lê Bền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín đề nghị tỉnh kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn đối với ngành NTTS, nhất là nuôi xa bờ. Ông Bền đặt câu hỏi: “Tại sao ngành đánh bắt xa bờ được hỗ trợ vốn đóng tàu còn ngành nuôi xa bờ thì không? Ngư dân NTTS rất mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giống như ngành đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, ngư dân cũng có nhu cầu được cấp sổ chứng nhận quyền sở hữu mặt nước, có ranh giới, thời hạn cấp cụ thể, rõ ràng. Bởi việc này có thể giúp ngư dân mang sổ thế chấp ngân hàng lấy vốn làm ăn, yên tâm đầu tư cơ sở vật chất, lồng bè kiên cố. Ngoài ra, cần hình thành cơ chế, chính sách bảo hiểm cho nuôi trồng. Có như vậy, ngân hàng mới yên tâm cho người NTTS vay vốn”.
VĂN KỲ