Tiến tới thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017.
Tiến tới thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế (HC-KT) đặc biệt gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017.
Trước hết, có thể thấy, việc xây dựng Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đã được Đảng và Quốc hội thông qua. Thứ đến, cần xây dựng Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt để quy định cụ thể các nội dung còn chưa được quy định trong một số bộ luật, kể cả “luật gốc” là Hiến pháp năm 2013. Nói vậy để thấy rằng, để xây dựng các đơn vị HC-KT đặc biệt, trước hết, cần có sự đột phá mạnh mẽ trong cơ chế, chính sách.
Nhiều chuyên gia kinh tế ví von các đặc khu HC-KT như những cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng; tạo ra các vùng động lực tăng trưởng cho Việt Nam. Với cơ chế, chính sách về hành chính, kinh tế đột phá, có tính cạnh tranh cao, các đơn vị HC-KT đặc biệt tạo được động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực tới nhiều vùng cả nước. Mô hình đột phá phải có cơ chế chính sách đột phá. Và việc xây dựng Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt được coi là động thái đặt những viên gạch đầu tiên xây tổ cho phượng hoàng ở Việt Nam.
Dự án Luật Đơn vị HC-KT dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến nội dung dự án luật tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, tháng 10-2017; trình Quốc hội thông qua nội dung dự án luật vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, tháng 5-2018.
Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, kết quả đánh giá tổng hợp cho thấy dự kiến sau giai đoạn 2020, các đơn vị HC-KT đặc biệt có đóng góp quan trọng trong thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể như tại đơn vị HC-KT đặc biệt Bắc Vân Phong, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí; 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030; nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030; tạo thêm việc làm mới cho khoảng 65.000 người với mức lương bình quân 9.000 USD/năm.
Bộ KH-ĐT cũng đã có những đề xuất đầu tiên liên quan tới các thể chế vượt trội dành cho các đơn vị HC-KT đặc biệt. Theo đó, sẽ có hai nhóm chính sách dự kiến được thực hiện, bao gồm chính sách về kinh tế - xã hội, ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn so với các quy định của các luật hiện hành và các dự kiến cam kết quốc tế sắp tới của Việt Nam, đảm bảo vượt trội và cạnh tranh quốc tế; và nhóm chính sách về xây dựng mô hình tổ chức và quản lý tinh gọn, đủ thẩm quyền, hiệu lực, hiệu quả. Kịch bản là như vậy, thực hiện còn tùy thuộc thực tế.
Như trên đã nói, xây dựng Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt mới có ý nghĩa đặt những viên gạch đầu tiên xây tổ cho phượng hoàng. Sẽ còn một chặng đường dài, rất dài để các tổ phượng hoàng hình thành. Chúng ta còn có quá nhiều công việc để chuẩn bị, trong đó có những câu chuyện không hề đơn giản như: thu hút vốn đầu tư; nhân lực; tài chính; cơ sở hạ tầng... Để khi giờ G đã điểm, đơn vị HC-KT đặc biệt Bắc Vân Phong nhanh chóng đón nhận những dự án đầu tư cỡ lớn, có ý nghĩa động lực không chỉ cho phát triển của Vân Phong, Khánh Hòa mà còn cho cả nước.
PHONG NGUYÊN