08:08, 25/08/2017

Dạy làm người

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 vừa qua, thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thẳng thắn chỉ ra một số bất cập, hạn chế của ngành giáo dục, trong đó, nổi lên một số vấn đề như năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu; phương pháp giảng dạy chậm đổi mới...

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 vừa qua, thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thẳng thắn chỉ ra một số bất cập, hạn chế của ngành giáo dục, trong đó, nổi lên một số vấn đề như năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu; phương pháp giảng dạy chậm đổi mới...


Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành giáo dục - đào tạo cần quan tâm triển khai 9 nhóm vấn đề nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; trong đó chú trọng vấn đề dạy người ở tất cả các bậc học. Theo Phó Thủ tướng, do chưa chú ý toàn diện việc dạy người nên hiện nay còn nhiều bạo lực học đường; tệ nạn trong học sinh. Do đó, chúng ta phải làm mạnh mẽ và thực chất việc dạy người; dạy cho học sinh ngay từ lớp học đầu tiên, cấp học đầu tiên những bài học rất cơ bản về luân thường, đạo lý.


Tiên học lễ, hậu học văn. Trong văn có lễ. Trong lễ có văn. Văn làm nên tài. Lễ làm nên đức. Mà, phàm làm người phải có đủ năng lực và phẩm hạnh.


Thực ra, còn nhiều bạo lực học đường; tệ nạn trong học sinh mới là những biểu hiện bề nổi của sự non yếu về đạo đức của học sinh. Còn những em học sinh chưa có biểu hiện nói trên thì sao? Mầm mống cái xấu, cái ác ẩn chứa trong các em, chưa phát tác, chúng ta có phát hiện được chăng? Chưa bạo lực, chưa tệ nạn, nhưng liệu các em đã có đầy đủ tính thiện để làm người? Hạt giống lành được gieo trồng trong tâm hồn các em như thế nào để các em không trở thành kẻ ác mà là người thiện? Từ xưa đã có hai quan điểm rất khác nhau về tính thiện, ác trong mỗi con người. Tuân Tử bảo: “Nhân chi sơ, tính bản ác”. Mạnh Tử lại cho rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đến thời đại của chúng ta, Bác Hồ nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Đa phần do giáo dục mà nên.” Tính thiện, tính người trong mỗi con người luôn cần được đánh thức; cái ác, cái phi nhân tính luôn phải được kiềm chế, qua con đường giáo dục.


Xưa nay, hình thành và phát triển nhân cách học sinh luôn là vấn đề lớn, có thể nói là quyết định chất lượng, hiệu quả của một nền giáo dục. Dạy làm người là đúng rồi. Nhưng dạy những gì, dạy thế nào là câu chuyện cần phải bàn nhiều. Bài học đầu tiên, bài học làm người, luôn phải là những bài học về tình yêu. Yêu chính ngôi nhà của mình, yêu chính những người đang sống quanh mình rồi mới nói tới yêu quê hương, đất nước. Mà, có yêu thương mới có trách nhiệm, mới có những thể hiện dựng xây, vun đắp.


Giáo dục làm nên nhân cách con người. Người thầy, do đó, luôn phải là những tấm gương sáng, chân thực và sinh động. Mỗi lời nói, mỗi việc làm của người thầy là mỗi bài học làm người cụ thể, giàu tính thuyết phục. Vì vậy, dạy làm người, không chỉ là câu chuyện dành cho các cấp học phổ thông mà còn dành cho cả hệ thống các trường đào tạo ngành sư phạm. Chuyện thừa giáo viên, chuyện ngành sư phạm tuyển sinh đầu vào chỉ có 9 điểm/3 môn cũng là những câu chuyện đau lòng. Chúng ta đã nói quá nhiều về đổi mới giáo dục. Nhưng, xem ra, để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục quả là một câu chuyện dài, rất dài. Và, chuyện dạy làm người cho học sinh, cũng vậy.  


Chuyện học làm người không chỉ dành riêng cho học sinh mà còn cho cả đội ngũ thầy cô giáo.


PHONG NGUYÊN