HĐND, UBND tỉnh vừa bắt đầu một nhiệm kỳ mới, được đánh giá là mang nhiều kỳ vọng.
HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa bắt đầu một nhiệm kỳ mới, được đánh giá là mang nhiều kỳ vọng.
Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển... là những nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài được xác định trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trả lời phỏng vấn báo chí khi tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Lê Đức Vinh khẳng định, thời gian tới, với quan điểm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị hành chính công; xây dựng chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a của Chính phủ, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Chúng ta đều biết rằng, cải cách TTHC có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực. Người dân, doanh nghiệp (DN) luôn mơ ước có được môi trường thông thoáng trong sản xuất, kinh doanh. Mà môi trường ấy chỉ có được khi chúng ta thực hiện tốt công tác cải cách TTHC.
Trước nay, trong thực tế, vẫn tồn tại tình trạng nghị quyết, chỉ thị của cấp tỉnh ban hành, nhưng hiệu lực thực thi chưa cao. Cạnh đó, do cơ chế giám sát chưa đủ mạnh nên có một khoảng cách không nhỏ giữa nội dung nghị quyết, chỉ thị đã ban hành với thực tế thực hiện; hoặc mỗi ngành, mỗi địa phương có một cách hiểu, cách làm khác nhau. Cho nên, việc thực hiện thiếu nhất quán; nhiều ý kiến chỉ đạo của tỉnh chưa được các ngành, các địa phương thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả.
Nguyên nhân do đâu? Cơ chế. Và cả tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức (CB-CC) các ngành, các địa phương.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, bên cạnh việc rà soát, đánh giá toàn bộ TTHC trên các lĩnh vực quản lý xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; chuẩn hóa danh mục TTHC; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC; gắn kết quả giải quyết TTHC với đánh giá, phân loại CB-CC... tinh thần kỷ luật công vụ của CB-CC phải được nâng cao một bước. Phải thật sự gắn bó, có trách nhiệm với công việc, CB-CC mới có thể tham mưu xử lý vấn đề một cách nhanh, gọn, hiệu quả. Do đó, để kịp thời nắm bắt tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của CB-CC, công tác thanh tra công vụ phải được tăng cường, thường xuyên cũng như đột xuất.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển DN. Nghị quyết đưa ra nhiều cơ chế, công cụ phục vụ giám sát thực thi các nghị quyết hỗ trợ DN. Việc theo dõi, giám sát và báo cáo sẽ được thực hiện thường xuyên; theo đến cùng vấn đề và truy đến cùng trách nhiệm; xử lý nghiêm các trường hợp CB-CC gây khó khăn, nhũng nhiễu DN.
Bắt đầu bước vào nhiệm kỳ mới, trong khi cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết 35, quyết liệt thực hiện cải cách TTCH, HĐND, UBND tỉnh cần bám chắc phương châm “Theo đến cùng vấn đề và truy đến cùng trách nhiệm” để từng CB-CC phát huy được vị trí, vai trò công tác của mình, giúp người dân, DN thực hiện TTHC một cách nhanh, gọn, hiệu quả.
PHONG NGUYÊN