Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII đã thành công tốt đẹp. Những tâm tư, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân gửi trao đã được Đại hội nghiêm túc tiếp thu, để nghị quyết Đại hội là một khối ý chí thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh ....
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII đã thành công tốt đẹp. Những tâm tư, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân gửi trao đã được Đại hội nghiêm túc tiếp thu, để nghị quyết Đại hội là một khối ý chí thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh về quyết tâm xây dựng quê hương Khánh Hòa thành địa phương giàu, đẹp của cả nước.
Về dự Đại hội với Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chân thành và thẳng thắn chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế và bày tỏ mong muốn Khánh Hòa phải thực hiện thành công Đặc khu Kinh tế Vân Phong; thành công trong xây dựng nông thôn mới, đưa Khánh Hòa thành tỉnh khá của cả nước, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nói ngắn gọn vậy. Nhưng nội dung lại rộng vô cùng. Để thực hiện là cả một vấn đề lớn, một quá trình dài; đòi hỏi phải có quyết tâm cao độ, sự sáng tạo mang tính đột phá và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Từ nhiệm kỳ 2011 - 2015, Khánh Hòa đã bước đầu thực hiện các nội dung Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Định hướng phát triển kinh tế 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, gồm khu vực vịnh Cam Ranh; Khu kinh tế Vân Phong; TP. Nha Trang ngày càng rõ nét. Nội dung 4 chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển hệ thống đô thị; Chương trình phát triển nguồn nhân lực được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Những kết quả này chính là nền tảng vững chắc để thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khánh Hòa thành tỉnh khá của cả nước. Nhưng, khá ở mức độ nào, và bao giờ đạt khá vẫn luôn là một câu chuyện gợi nhiều suy nghĩ.
Còn nhớ, từ năm 2012, làm việc với tập thể Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Bộ Chính trị nhấn mạnh, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện, đa ngành, đặc biệt là kinh tế biển, do đó, cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp - thủy sản chất lượng cao... Giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, có lợi thế đặc thù, không phải địa phương nào cũng có được như vậy, nhưng, theo góp ý của Chủ tịch Quốc hội, Khánh Hòa chưa có sự bứt phá để phát triển kinh tế biển gắn với phát triển ngành công nghiệp; dịch vụ - du lịch. Liệu đến năm 2020, Khánh Hòa có trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”?
Năm 2020 đang đến rất gần. Hiện nay, giá trị kinh tế biển của Khánh Hòa chiếm tỷ lệ gần 40% trong tổng sản sản phẩm trên địa bàn. Kinh tế biển mạnh sẽ làm động lực kéo nền kinh tế đi lên; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần những vùng dân cư ven biển.
Do đó, vấn đề đặt ra là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh kinh tế biển.
PHONG NGUYÊN