11:06, 28/06/2015

Nguồn nhân lực

Với mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực.

Với mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung thực hiện hai nội dung lớn và quan trọng, đó là: Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 và Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956).


Đối với Đề án 1956, giai đoạn 2010 - 2014, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho khoảng 78.700 lao động phổ thông. Trong đó, hơn 15.600 lao động nông thôn được tỉnh hỗ trợ theo chính sách của đề án với tổng kinh phí hơn 24,6 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đạt hơn 45%, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề hơn 83%. Nhiều người sau khi học nghề đã ở lại nông thôn, tự xây dựng các mô hình kinh tế để làm giàu chính đáng, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần đáng kể vào định hướng “ly nông bất ly hương”, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.


Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 đã được triển khai thực hiện đồng bộ ở tất cả các cơ quan ban, ngành, địa phương. Trong các cơ quan của Đảng, đoàn thể, cơ quan nhà nước, các địa phương, lãnh đạo đã quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức đi học nhằm chuẩn hóa kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng quản lý. Mặt khác, nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng đã được các trường nghề chú trọng đào tạo...


Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2014, nhân lực công tác ở các cơ quan của Đảng, đoàn thể chỉ mới khoảng 74,5% có trình độ đại học (mục tiêu 90%), hơn 60,4% có trình độ trung cấp chính trị (mục tiêu 90%); nhân lực thuộc lĩnh vực quản lý hành chính chỉ mới 53,5% có trình độ đại học trở lên, có nghiệp vụ hành chính (mục tiêu 95%); nhân lực lĩnh vực sự nghiệp chỉ có hơn 55,5% viên chức có trình độ đại học (mục tiêu ít nhất 80%); nhân lực lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tỷ lệ đào tạo công nhân dài hạn trong các trường nghề chỉ đạt 16,9% trong tổng số người được đào tạo (mục tiêu 30%).


Được biết, khó khăn về kinh phí là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả chưa đạt. Thời gian qua, tỉnh chưa bố trí được kinh phí riêng để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Các địa phương, đơn vị chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí tự chủ của mình nên phần nào bị động, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Mặt khác, nhiều đơn vị còn hạn chế số lượng cho đi đào tạo vì nhiều lý do. Trong khi đó, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn khó khăn do phần lớn các cơ sở dạy nghề chỉ đào tạo những gì mình có, chưa chú trọng đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu của doanh nghiệp; nhiều phụ huynh còn chú trọng bằng cấp đại học nên không khuyến khích con em vào các trường nghề, dẫn đến việc tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn...


Tỉnh đang triển khai Đề án 1956 và Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020. Đây là vấn đề lớn, vì vậy đòi hỏi các ban chỉ đạo phải sâu sát, xây dựng giải pháp cụ thể, có cơ chế, chính sách hợp lý. Bên cạnh việc kiểm tra nắm tình hình để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, các cơ quan chức năng cần quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với đối tượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng, học nghề.


ĐẠI HẢI