Từ nhiều năm nay, tình trạng thừa - thiếu giáo viên (GV) tại các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn luôn là nỗi lo thường trực của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Ngành Giáo dục, các trường học, địa phương phải bố trí GV dạy liên trường, GV dạy tăng giờ, phân công GV kiêm nhiệm... Tuy nhiên, những cách làm này không chỉ gây áp lực cho GV mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Liên quan đến vấn đề này, tại Công văn số 4327, ngày 14-8-2024 về việc tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, Bộ GD-ĐT chỉ đạo: “Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ GV theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng GV theo Nghị định số 111, ngày 30-12-2022 của Chính phủ để thực hiện chủ trương "có học sinh, phải có GV đứng lớp" phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương”. Tuy nhiên, theo Công văn số 3139, ngày 12-6-2024 của Bộ Nội vụ gửi UBND tỉnh hướng dẫn việc giao, sử dụng, tuyển dụng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp GD-ĐT năm học 2023 - 2024, lại hướng dẫn: “Trường hợp số lượng người làm việc được giao trong các cơ sở giáo dục, y tế công lập chưa đủ theo định mức quy định, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định số lượng người làm việc còn thiếu so với định mức, trình HĐND tỉnh Khánh Hòa quyết định số lượng hợp đồng lao động không quá 70% số lượng người làm việc còn thiếu so với định mức. Không thực hiện ký hợp đồng lao động đối với số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao chưa thực hiện tuyển dụng trong lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, y tế”. Vì vậy, từ đầu năm học 2024 - 2025, ngành GD-ĐT rất khó khăn vì thiếu GV.
Cụ thể, tại TP. Cam Ranh, huyện Vạn Ninh, do không được hợp đồng GV để giảng dạy trong quá trình đơn vị đang thực hiện tuyển dụng, đặc biệt là GV mầm non, tiểu học, buộc địa phương phải dồn, ghép lớp vượt số lượng học sinh/lớp theo quy định. Còn các địa phương đã thực hiện tuyển dụng trong năm học 2023 - 2024 nhưng tuyển chưa đủ chỉ tiêu (Nha Trang, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Diên Khánh), đang rà soát chỉ tiêu GV để tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyển dụng đối với các chỉ tiêu chưa tuyển dụng; vì không được phép hợp đồng GV nên rất khó khăn trong việc bố trí GV hiện có. Ngoài ra, trong năm học, phát sinh GV nghỉ thai sản, nghỉ hưu nhưng đơn vị không được thực hiện ký hợp đồng lao động dẫn đến tình trạng thiếu hụt GV càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, qua rà soát của Sở GD-ĐT, hiện nay, các trường học trực thuộc đang dư 40 GV các môn khoa học tự nhiên nhưng lại thiếu 32 GV các môn xã hội. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do việc lựa chọn tổ hợp môn của học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, vì không được ký hợp đồng GV nên các đơn vị phải bố trí GV (đặc biệt là GV xã hội) dạy tăng gần gấp đôi số tiết/tuần so với định mức (định mức quy định 17 tiết/tuần/GV; thực tế nhiều GV các bộ môn dạy 23 - 25 tiết/tuần).
Mới đây, tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển dụng, bố trí GV, đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ khẩn trương kiến nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn tỉnh cơ chế thực hiện hợp đồng lao động chuyên môn nghiệp vụ đối với vị trí GV. Sở GD-ĐT rà soát, xác định lại định mức GV tại các trường năm học 2024 - 2025 để các sở, ngành liên quan có cơ sở tham mưu UBND tỉnh giải quyết khó khăn liên quan đến việc tuyển dụng, bố trí GV; các địa phương còn thiếu GV khẩn trương tổ chức tuyển dụng bổ sung.
Mong rằng, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ cần có quan điểm thống nhất, sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện tốt chính sách tuyển dụng GV, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình mới. Bởi nếu không, bài toán thừa - thiếu GV có thể sẽ còn kéo dài, khó khăn trong nhiều năm tới.
ANH TUẤN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin