Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có những cơ chế chưa từng có về lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với ông Vĩnh Thông - Giám đốc Sở Tài chính về nội dung này.
Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có những cơ chế chưa từng có về lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với ông Vĩnh Thông - Giám đốc Sở Tài chính về nội dung này.
- Xin ông cho biết, nguồn ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách tỉnh hàng năm ngoài nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp được sử dụng như thế nào?
- Từ năm 2004 đến nay, Khánh Hòa là 1 trong 18 tỉnh, thành phố có điều tiết số thu về ngân sách Trung ương. Căn cứ số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và các nguồn tài chính hợp pháp khác, Sở Tài chính thực hiện cân đối nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương. Ngoài ra, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguồn bổ sung này được bố trí vào kinh phí đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ; thực hiện các chính sách an sinh xã hội thuộc phần ngân sách Trung ương đảm nhận; hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của Trung ương trên địa bàn tỉnh…
- Theo Nghị quyết 55, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Xin ông đánh giá ý nghĩa của cơ chế này đối với nguồn ngân sách địa phương?
- Theo Khoản 1, Điều 3 của Nghị quyết 55, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14) và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i và q khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.
Đây là cơ chế, chính sách quan trọng hỗ trợ cho ngân sách tỉnh có nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời khuyến khích địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, tăng đóng góp của tỉnh về ngân sách Trung ương trong giai đoạn sau. Sở Tài chính đang triển khai các thủ tục để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mục tiêu phân bổ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương từ nguồn tăng thu nêu trên để đảm bảo nguồn lực hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 09.
- Đối với cơ chế phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, ngân sách tỉnh sẽ dùng nguồn kinh phí này vào những chương trình gì, thưa ông?
- Khi triển khai thực hiện chế độ đặc thù nêu trên, trong giai đoạn 2023 - 2025, địa phương được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số. Nguồn kinh phí này dành để bổ sung nguồn lực sớm khắc phục tình trạng chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền; phát triển đô thị, duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, công cộng; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời hoàn thành mục tiêu đưa 2 huyện miền núi trở thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng theo đúng tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
- Xin ông cho biết về kế hoạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương?
- UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6524 ngày 15-7-2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Quốc hội, trong đó giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh việc vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Căn cứ các quy định tại Nghị định số 93/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương, Sở Tài chính đang lập các thủ tục triển khai thực hiện việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động trước nguồn lực phát triển đồng bộ, kịp thời (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật), đảm bảo cho tỉnh Khánh Hòa hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 09.
Bên cạnh đó, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính cũng đang triển khai các quy trình, thủ tục để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết cho phép các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo tinh thần, cơ chế của Nghị quyết 55 của Quốc hội.
- Xin cảm ơn ông!
HOÀNG DUNG (Thực hiện)