Muốn thực hành dân chủ hiệu quả, phải tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; muốn tăng cường pháp chế, phải thực hành dân chủ thật sự, đích thực. Đây là nội dung được các đại biểu thống nhất tại Hội thảo khoa học "Thực trạng mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước sau gần 40 năm đổi mới", vừa được Học viện Cảnh sát nhân dân và Trường Chính trị tỉnh phối hợp tổ chức tại Khánh Hòa.
Thực hành dân chủ đầy đủ
PGS, TS Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII, nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, nền dân chủ đúng nghĩa, đích thực là nền dân chủ thể hiện đầy đủ quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân và những điều kiện bảo đảm thực hiện. Các quyền này phải được khẳng định ở Hiến pháp và được cụ thể trong các văn bản pháp luật. Thực hành dân chủ đầy đủ là biến những quy định pháp luật về quyền đó trở thành hiện thực và đặt trong mối quan hệ với kỷ cương, pháp chế đích thực. Thực hành dân chủ đầy đủ chính là góp phần tăng cường pháp chế, bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội.
Trong thực hành dân chủ, vai trò của UBMTTQ Việt Nam rất quan trọng. Thạc sĩ Võ Thị Kim Thơm - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đã chứng minh điều này qua kết quả khảo sát tại tỉnh. Thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 164 cuộc giám sát độc lập, tập trung vào việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây nhà cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Mặt trận các cấp cũng tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cộng đồng về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và nhiều dự án có ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân. Nhờ thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các công trình kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn, hẻm đô thị, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... đều được người dân tích cực hưởng ứng, đóng góp, ủng hộ.
Việc người dân đồng thuận hiến đất, góp kinh phí để mở rộng hẻm 63 Nguyễn Chích (tổ 2 Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) là một ví dụ. Ông Đoàn Hải Hưng - Trưởng ban Công tác mặt trận tổ 2 Hòa Tây cho biết, trước khi vận động, lòng hẻm có nơi chỉ hơn 2m; hai bên hẻm trồng rau, cây ăn trái hoặc xây tường rào, phần lớn là đất thuộc quyền sử dụng của người dân, công tác vận động hiến đất tưởng không thực hiện được. Nhưng Chi hội Cựu chiến binh phối hợp với Chi ủy, Ban Công tác mặt trận, cán bộ tổ dân phố đã bàn giải pháp đối với từng trường hợp, thảo luận dân chủ tại cuộc họp khu phố trên tinh thần đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Từ một số hộ hiến đất, tài sản, thấy lòng hẻm được mở rộng, cống rãnh được bố trí sạch sẽ, các hộ còn lại đã tự nguyện tháo dỡ tường, chặt cây, hiến đất. Sau một tháng vận động, thi công, các hộ đã hiến 180m2 đất, ủng hộ hơn 60 triệu đồng, làm bê tông con hẻm dài gần 60m, rộng 5m vào cuối tháng 8-2022.
Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là mối quan hệ thứ mười được bổ sung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thể hiện tính quy luật của đổi mới, hội nhập và phát triển ở nước ta, là bước phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Đảng ta sau gần 40 năm đổi mới. Quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội tuy mới được bổ sung nhưng là quan hệ nền tảng, căn cốt để thực hiện các quan hệ lớn khác. Để nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn này, cần phải khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần nghiên cứu, đánh giá thực tiễn để đề xuất các giải pháp nhằm nhận thức, giải quyết đúng đắn mối quan hệ này, bảo đảm kỷ cương xã hội ở nước ta trong thời gian tới.
Các ý kiến tại hội thảo đã thống nhất, cần quán triệt nhận thức và giải quyết mối quan hệ nêu trên phù hợp với nguyên tắc quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm cá nhân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; phát huy vai trò, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; đáp ứng yêu cầu tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa, phẩm chất đạo đức, nhân văn; đáp ứng yêu cầu xử lý nghiêm minh mọi hành vi lợi dụng quyền con người, tự do, dân chủ để vi phạm pháp luật, chống phá chế độ, xâm phạm lợi ích cá nhân, tổ chức. Hội thảo khẳng định, thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết để dân chủ được thực hành rộng rãi và thực chất.
NGUYỄN VŨ