06:11, 25/11/2022

Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Khánh Hòa lần thứ II: Phản ánh toàn diện, sâu rộng công tác xây dựng Đảng

Sáng nay (25-11), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức lễ trao Giải báo chí về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng tỉnh Khánh Hòa lần thứ II năm 2022. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức giải về những nét nổi bật của giải năm nay.

Sáng nay (25-11), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức lễ trao Giải báo chí về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng tỉnh Khánh Hòa lần thứ II năm 2022. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức giải về những nét nổi bật của giải năm nay.

 

1

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức

Ngày càng lan tỏa


- Thưa ông, Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Khánh Hòa lần thứ II có sức lan tỏa như thế nào so với lần tổ chức đầu tiên năm 2021?

- So với năm 2021, giải năm nay đã thu hút sự quan tâm nhiều hơn của đội ngũ phóng viên, nhà báo, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sau 5 tháng (từ ngày 16-5 đến 1-10), Ban tổ chức giải đã tiếp nhận 211 tác phẩm báo chí của 185 tác giả, nhóm tác giả. Trong đó, có 119 tác phẩm của 97 tác giả, nhóm tác giả đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của thể lệ giải (gồm: 7 tác phẩm báo điện tử; 90 tác phẩm báo in; 6 tác phẩm ảnh báo chí; 14 tác phẩm truyền hình; 2 tác phẩm phát thanh).


Một số đơn vị rất tích cực tham gia hưởng ứng, có nhiều tác phẩm tham dự giải, như: Hội Nhà báo tỉnh (61 tác phẩm), Báo Khánh Hòa (25 tác phẩm), Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa (14 tác phẩm)… Các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí Trung ương và TP. Hồ Chí Minh hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tham gia hưởng ứng giải với số lượng và chất lượng tác phẩm cao hơn năm trước. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương cũng tích cực khuyến khích, vận động cán bộ, công chức, viên chức sáng tác các tác phẩm báo chí gửi tham dự giải. Đặc biệt, giải năm nay đã thu hút 5 tác phẩm của tác giả là người cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên), tác giả lớn tuổi nhất là cụ Nguyễn Xuyến (97 tuổi).


- Xin ông đánh giá sơ bộ về chất lượng tác phẩm tham dự giải?


- Nhìn chung, so với mùa giải trước, chất lượng các tác phẩm có bước chuyển biến tích cực, đa dạng về thể loại, phong phú về chủ đề, bám sát các sự kiện, vấn đề nổi bật của công tác xây dựng Đảng. Các tác phẩm được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức, thể hiện trí tuệ, nhiệt huyết và trách nhiệm của người làm báo với Đảng.


Đối với loại hình báo in, nhiều tác phẩm có bố cục chặt chẽ, nội dung, đề tài phong phú, thể hiện sự trải nghiệm và tâm huyết của người cầm bút về xây dựng Đảng; về phát hiện tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiêu biểu là: Vụ khiếu nại đất đai ở Vạn Ninh; Thực hiện Nghị quyết 18 của Thành ủy Nha Trang… Đối với loại hình báo điện tử, ảnh báo chí thu hút được nhiều tác phẩm chất lượng tham gia, các tác giả đã chuyển tải đầy đủ nội dung, chủ đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng, như: Nha Trang: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ; Dồn lực cho khát vọng vươn tầm; “Căng mình” trên các công trình trọng điểm…


Đối với loại hình báo phát thanh, truyền hình, các nhóm tác giả đã kỹ lưỡng trong lựa chọn đề tài, công phu về mặt kỹ thuật, kết hợp hài hòa giữa lời bình, âm thanh và hình ảnh để chuyển tải nội dung tác phẩm một cách sinh động, thể hiện tính thuyết phục, phản ánh chi tiết, phù hợp với thực tiễn, có tính tuyên truyền cao. Một số tác phẩm đã khắc họa rõ nét chân dung của cán bộ, đảng viên với những việc làm thiết thực, tiên phong trong nhiều lĩnh vực, từ nhà giáo về hưu đến những kỹ sư, nông dân, công chức… Điều này thể hiện rõ trong các tác phẩm: Còn ngày nào - Giữ bản sắc ngày đó; Nha Trang hướng đến đô thị thông minh và đáng sống; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết xây dựng Khánh Hòa giàu mạnh - văn minh…


Giải lần này có nhiều tác phẩm viết về biển, đảo quê hương, khắc họa về Trường Sa, về những người lính ngày đêm canh giữ đất trời, những ngư dân kiên cường bám biển. Các tác phẩm đều thể hiện sâu sắc tình yêu biển, đảo, phản ánh công cuộc và khát vọng xây dựng Trường Sa, như: Neo cột mốc chủ quyền ở biển Đông; Sức trẻ Trường Sa; Biển hát bên đồng đội yêu thương… Bên cạnh đó, giải cũng nhận được nhiều tác phẩm viết về công tác phát triển đảng viên; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phát triển lý luận xây dựng Đảng... Các tác giả đã bám sát những nội dung trọng tâm theo thể lệ giải để đầu tư nhiều tác phẩm chất lượng, am hiểu sâu sắc các nguyên tắc của Đảng, tường tận những vấn đề phức tạp đang đặt ra; phản ánh đúng, trúng những vấn đề về công tác xây dựng Đảng.

 
Tuyên truyền đậm nét việc triển khai các nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh Khánh Hòa


- Ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vấn đề này đã được báo chí phản ánh như thế nào ở giải năm nay, thưa ông?


- Việc triển khai và thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã được báo chí phản ánh đậm nét trong thời gian qua. Ở mùa giải năm nay, tác phẩm dài kỳ, được các tác giả đầu tư công phu, từ khâu lựa chọn chủ đề, lấy tư liệu, xử lý thông tin, nghiên cứu, bám sát những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác xây dựng Đảng ở nhiều góc nhìn khác nhau. Các tác phẩm đã phản ánh toàn diện, sinh động, chân thực sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, hình thức đẹp, đi sâu tìm hiểu thực tế ở các địa phương, cơ quan, đơn vị để tổ chức thành những chùm bài có quy mô lớn, tạo ấn tượng sâu sắc, có sức lan tỏa rộng trong xã hội…


Đặc biệt, việc tuyên truyền đưa Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị vào cuộc sống được các tác giả chú trọng, triển khai thành chuyên mục, lồng ghép những nội dung cơ bản, những hành động quyết liệt của tỉnh trong việc hiện thực hóa nghị quyết bằng nhiều bài viết chất lượng để tuyên truyền đến người dân một cách cụ thể, sinh động. Một số tác phẩm đã đi sâu, đi sát thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của hệ thống chính trị tỉnh trong việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, tiêu biểu là: Chuyên mục Đưa Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị vào cuộc sống (Báo Khánh Hòa); Khánh Hòa - Thời cơ và thách thức trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù (Báo Quân đội nhân dân)…


- Trong thời gian tới, Ban tổ chức cần làm gì để giải lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến các tầng lớp nhân dân; nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm tham dự giải?


- Tuy số lượng tác phẩm dự giải tăng so với năm 2021, nhưng số lượng tác phẩm chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo thể lệ giải còn cao (chiếm 43%); có chuyên đề không có tác giả, nhóm tác giả tham gia (Giải tác phẩm xuất sắc của tác giả trẻ tuổi, Giải tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Khánh Hòa ở ngoài tỉnh). Đối tượng tham dự giải chủ yếu là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; số tác giả, nhóm tác giả là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang công tác tại các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị tỉnh tham gia chưa nhiều.


Về chất lượng, những bài viết, thể loại bình luận, chuyên luận hay, sắc sảo vẫn còn hạn chế. Số lượng tác phẩm về thể loại phản ánh tuy nhiều nhưng chưa thực sự chuyển tải được thực tiễn sinh động, hơi thở cuộc sống nên tính thuyết phục chưa cao. Chưa có nhiều bài viết về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phát triển đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và về chính sách thu hút, tạo nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới… Một số tác phẩm nội dung còn rất chung chung, không có điểm nhấn, cách thể hiện khô cứng, thiếu sự đổi mới, sáng tạo, hình ảnh minh họa không sát với nội dung…


Để giải lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến các tầng lớp nhân dân, chất lượng tác phẩm được nâng lên, trong thời gian tới, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và khuyến khích, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia sáng tác các tác phẩm báo chí gửi tham dự giải. Ban tổ chức giải cần nghiên cứu, có kế hoạch tổ chức tập huấn kỹ năng viết bài về công tác xây dựng Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh, nhằm tăng số lượng, chất lượng các tác phẩm dự thi. Các cơ quan báo chí, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và đội ngũ người làm báo, cán bộ, công chức, đảng viên trong toàn tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát thực tiễn để sáng tác những tác phẩm có giá trị, giàu sức chiến đấu, có tính phản biện, khoa học, có sức lan tỏa lớn trong xã hội để gửi tham dự giải. Qua đó, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh.


- Xin cảm ơn ông!


XUÂN THÀNH (Thực hiện)