11:06, 29/06/2022

Khơi dậy tình yêu biển, đảo quê hương

Tối 28-6, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Khát vọng đại dương xanh" tại 2 điểm cầu là Trung tâm Phát thanh - Truyền hình quân đội (Hà Nội) và Cảng quốc tế Cam Ranh.

Tối 28-6, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Khát vọng đại dương xanh” tại 2 điểm cầu là Trung tâm Phát thanh - Truyền hình quân đội (Hà Nội) và Cảng quốc tế Cam Ranh. Tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các ông: Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự chương trình. Tại điểm cầu Khánh Hòa, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các ông: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.


Khát vọng chinh phục biển cả


Chương trình “Khát vọng đại dương xanh” được xây dựng với sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động giao lưu, gặp gỡ và trình chiếu phóng sự, tổ chức các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, sân khấu, âm thanh, ánh sáng ấn tượng. Qua đó, nêu bật tình yêu biển, đảo của người Việt Nam, tinh thần đoàn kết vươn ra biển lớn; quá trình nghiên cứu môi trường, sử dụng bền vững biển và đại dương. Chương trình có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý chia sẻ kiến thức và tình yêu biển, đảo, cũng như triển vọng về phát triển kinh tế biển Việt Nam.

 

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Khánh Hòa.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Khánh Hòa.


Chương trình khẳng định vai trò to lớn của biển và đại dương đối với sự sinh tồn của con người, nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên, môi trường biển, đảo; khẳng định Việt Nam là quốc gia biển với khát vọng thịnh vượng từ biển; thể hiện ý chí bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển và giữ hòa bình cho biển. Đồng thời, chương trình nhằm hun đúc tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy tiềm năng đa dạng của biển, đảo Việt Nam, góp phần cùng bạn bè quốc tế bảo vệ, phục hồi môi trường biển.


Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định, đại dương và biển chứa đựng tiềm năng to lớn đối với sự phát triển của các quốc gia và đời sống nhân loại. Đồng thời, đại dương và biển có khả năng điều chỉnh các quá trình khí hậu, thời tiết toàn cầu, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Không có đại dương và biển thì trái đất trở thành một “sa mạc khô cằn”. Các nhà khoa học đã dự báo, biển và đại dương là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về các nguồn lương thực, thực phẩm, nguyên, nhiên liệu và năng lượng, nhất là từ thế kỷ 21, khi các nguồn trên đất liền đang cạn kiệt, khó phục hồi.


Tại chương trình, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, Khánh Hòa sở hữu bờ biển dài với nhiều đảo và quần đảo, có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú và bãi biển đẹp phân bố đều ở 3 vịnh: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh. Từ tiềm năng biển như vậy, Khánh Hòa xác định tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gồm: Du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch di sản văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; phát triển các ngành, nghề phụ trợ và liên kết các tuyến du lịch liên vùng nhằm đưa thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Đông Nam Á.


Chung tay vì đại dương xanh

 

Thiếu tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tặng tượng trưng 10.000 lá cờ Tổ quốc và 1.000 ảnh Bác Hồ cho ngư dân huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau).

Thiếu tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tặng tượng trưng 10.000 lá cờ Tổ quốc và 1.000 ảnh Bác Hồ cho ngư dân huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau).

 

Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, có ý nghĩa rất lớn về việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước trên khu vực Biển Đông. Hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng và hoàn thiện Đề án “Xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước”. Quan điểm xây dựng đề án là phát triển toàn diện huyện đảo Trường Sa trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên và bảo tồn môi trường sinh thái biển, phát triển bền vững. Đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng phát triển huyện đảo Trường Sa, nhất là phát triển du lịch và kinh tế biển, gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh để huyện đảo Trường Sa trở thành pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, là quốc gia biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ chung tay với cộng đồng quốc tế hướng tới đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và cùng phát triển thịnh vượng, nỗ lực hành động, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế; chủ động tham gia các cơ chế song phương và đa phương; tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác khu vực, quốc tế về biển và đại dương. Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế; cắt giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết các tranh chấp về biển và đại dương thông qua các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nước khác.


 Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch về quản trị biển và đại dương; đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển dựa trên công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương, nhất là rác thải nhựa. Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chung tay với cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu về biển và đại dương, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn lợi kinh tế biển, góp phần bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho người dân gắn với bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.


THÀNH NAM