Chiều 17-12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển về ứng phó bão RAI. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Chiều 17-12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển về ứng phó bão RAI. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Theo dự báo, đến 13 giờ ngày 18-12, bão ở trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Đến 13 giờ ngày 19-12, bão ở ngay vùng biển ngoài khơi từ Bình Định đến Khánh Hòa với sức gió mạnh nhất đạt cấp 13, giật cấp 16…
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT và các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các giải pháp đảm bảo an toàn cho tàu, các thuyền viên hoạt động trên biển; các lồng bè và ngư dân nuôi trồng thủy sản ven bờ. Tại Khánh Hòa, tỉnh đã xây dựng 3 phương án ứng phó cụ thể: bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền; bão không đổ bộ nhưng gây mưa lớn và bão đổ bộ và mưa lớn. Đến trưa 17-12, Khánh Hòa có 867 tàu, 3.054 ngư dân hoạt động trên biển và đã nhận được thông tin về cơn bão để có phương án tránh khỏi vùng nguy hiểm. Tỉnh đã cấm biển kể từ 18 giờ ngày 17-12; triển khai các phương án sẵn sàng di dời gần 4.500 lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản và các giải pháp đảm bảo an toàn cho 2.849 hộ/11.887 khẩu sinh sống trên các thôn đảo; 2.500 du khách lưu trú tại các cơ sở ven biển và đảo…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: các địa phương và người dân tuyệt đối không được chủ quan trước siêu bão có tốc độ di chuyển nhanh. Phó Thủ tướng đề nghị đơn vị dự báo bám sát tình hình diễn biến, kịp thời thông tin, dự báo chính xác; các bộ, ngành, lực lượng quân đội, công an triển khai đồng bộ, kịp thời công tác sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân ngoài biển, ven bờ…; các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chú trọng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người dân trên biển, ven bờ, tại các điểm xung yếu; các cơ quan truyền thông, báo chí tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến tình hình diễn biến của bão.
Ngay sau cuộc họp trực tuyến, lãnh đạo UBND tỉnh đã cùng các sở, ngành, địa phương triển khai các phương án chủ động ứng phó với bão RAI.
. Ngày 17-12, UBND TP. Cam Ranh có văn bản khẩn gửi các đơn vị liên quan triển khai công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ứng phó khẩn cấp với siêu bão Rai. Theo đó, Đồn Biên phòng Cam Ranh, Đồn Biên phòng Bình Ba, UBND các xã, phường ven biển, Ban Quản lý Cảng cá Đá Bạc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm đếm, nắm chắc số lượng tàu thuyền, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; rà soát các khu dân cư trên đảo Bình Ba, Bình Hưng để hỗ trợ sơ tán dân... khi có bão ảnh hưởng đến địa bàn.
H.Đ - V.K