Ngày 13-10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo trực tuyến "Thực thi chính sách phục hồi kinh tế và thích ứng với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương". Tới dự và chủ trì hội thảo có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.
Ngày 13-10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Thực thi chính sách phục hồi kinh tế và thích ứng với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”. Tới dự và chủ trì hội thảo có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Chủ trì tại điểm cầu Khánh Hòa có ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vỹ mô, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản, làm gia tăng nợ xấu, để lại hệ lụy lâu dài cho xã hội. Một số vấn đề mới như: an ninh lương thực trong tình hình mới, trẻ mồ côi, hộ nghèo dễ bị tổn thương do phong tỏa kéo dài trên diện rộng... đang làm đứt gãy các mối liên kết phát triển kinh tế. Nếu không được khắc phục sớm sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết là đưa người lao động trở lại nhà máy, đưa hàng hóa đến người tiêu dùng…
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tham luận Phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng với đại dịch. Các đại biểu trong và ngoài nước đã cùng nhau thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế trong tình hình dịch bệnh. Một số địa phương đã chia sẻ về kinh nghiệm chống dịch, cũng như duy trì sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian tới vẫn phải áp dụng 5K, vắc xin, công nghệ, ý thức của người dân cộng với các biện pháp có thể. Đồng thời có giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở để người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, tốt nhất nhằm kiểm soát rủi ro. Thủ tướng yêu cầu, phải xiết chặt kỷ luật, kỷ cương; lãnh đạo phải tập trung, thống nhất; tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp với tình hình; cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải chấp hành chỉ đạo của trung ương. Bên cạnh đó, phải giữ vững kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn. Thời gian tới, phải tăng tổng cung và tổng cầu để sản xuất phát triển, nối lại thị trường lao động, giảm thuế, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tiếp tục mở rộng thị trường; đồng thời tập trung lo an sinh xã hội cả về vật chất và tinh thần.
VĂN KỲ