Ngày 29-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Ngày 29-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Tại điểm cầu Khánh Hòa, các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành tham dự.
Kết quả khả quan
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương tính đến ngày 31-10 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% so với kế hoạch giao. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh thì mức giải ngân đạt hơn 35%; tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 cả về giá trị (12.367 tỷ đồng) và tỷ lệ (27,09%), nhưng vẫn còn thấp.
Tại Khánh Hòa hiện có 6 dự án sử dụng nguồn vốn ODA đang triển khai, với tổng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm nguồn ODA cấp phát kéo dài từ năm 2019) giao thực tế là 729,865 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA cấp phát là 428,765 tỷ đồng và 301,1 tỷ đồng vốn ODA vay lại. Đến ngày 27-10, Khánh Hòa đã giải ngân được 379,676 tỷ đồng, đạt 52% vốn giao thực tế. Cụ thể, vốn ODA cấp phát giải ngân được 302,165 tỷ đồng, đạt 70,5% kế hoạch; vốn ODA vay lại giải ngân được 77,602 tỷ đồng, đạt 25,8% kế hoạch.
Để có được những kết quả này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã và các chủ đầu tư nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tập trung giải ngân vốn đầu tư công để trở thành kênh kích cầu tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư; phát động phong trào thi đua ở từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị để tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại năm 2020. Các chủ đầu tư không thực hiện giải ngân vốn đúng cam kết sẽ điều chuyển cho chủ đầu tư khác.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Theo ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tuy giải ngân đạt được kết quả đáng khích lệ, song nếu xét về tổng thể thì vẫn chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chậm giải ngân các dự án ODA của tỉnh chủ yếu vướng ở công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thời gian triển khai các thủ tục đầu tư kéo dài, dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh nhiều lần. Ngoài ra, một số nguyên nhân khách quan như: Cơ chế chính sách chưa đồng bộ; hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán và chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế; đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện và giải ngân các nguồn vốn này. Nguyên nhân chủ quan là năng lực đội ngũ tham gia vào công tác quản lý các dự án ODA phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Thời gian thực hiện các thủ tục về đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước kéo dài.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấm dứt tình trạng trì trệ, quan liêu, sợ trách nhiệm trong giải ngân vốn ODA. Chính quyền không làm được, Tỉnh ủy phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý người đứng đầu. Trong 2 tháng còn lại của năm, các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ và liên tục việc giải ngân vốn ODA, quan tâm xử lý những tồn tại, yếu kém. Cuối năm, Chính phủ sẽ kiểm điểm vấn đề giải ngân vốn ODA, tỉnh làm tốt sẽ tuyên dương, tỉnh chây ì sẽ bị nêu tên khiển trách. |
Nhằm thực hiện tốt việc giải ngân vốn ODA, UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục chuyển nguồn đối với nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương. Cụ thể, dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Khánh Hòa được giao kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương là 90 tỷ đồng; dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đã được giao kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 7,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang và dự án Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang đang ở bước lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng. Với tính chất quan trọng của dự án và đặc thù của các thiết bị chính (đặc biệt là thiết bị phục vụ cho các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải và các xi-lanh thủy lực của cửa van đập) không được sản xuất rộng rãi trong nước nên phải nhập khẩu từ nước ngoài. Theo quy định hiện hành, việc tư vấn thiết kế xác định dự toán chi phí cho các thiết bị này lại dựa vào thông báo giá của các đơn vị phân phối trong nước với các báo giá có mức chênh lệch nhau rất cao. Do đó, UBND tỉnh thấy rằng việc thẩm định giá thiết bị cho các dự án trên là rất cần thiết. Tuy nhiên, căn cứ vào các văn bản pháp lý, hiện nay, Bộ Tài chính không đề cập đến việc thẩm định giá thiết bị trong các dự án đầu tư xây dựng công trình. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quản lý chi phí, đồng thời đảm bảo lựa chọn được sản phẩm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của dự án, tăng tuổi thọ công trình, UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến hướng dẫn các nội dung liên quan. Ngoài ra, dự án Xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang hiện nay chưa xác định được nguồn vốn Trung ương còn thiếu khoảng 395 tỷ đồng, nếu không được bố trí kịp thời, nhiều khả năng sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án, dẫn đến việc đầu tư dự án không hiệu quả, đối diện với nhiều rủi ro trong quản lý đầu tư xây dựng. Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ bổ sung số vốn còn thiếu vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo nguồn vốn giải ngân theo tiến độ thực hiện chung của dự án.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận quyết tâm của nhiều địa phương trong giải ngân vốn ODA. Thủ tướng nhấn mạnh, ODA là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, vì vậy, từng bộ, ngành phải chủ động để giải ngân. Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, phối hợp tốt giữa địa phương và Trung ương. Người đứng đầu phải xác định đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2020. “Các bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ nguồn vốn đối ứng ODA, phải huy động mọi nguồn lực hợp pháp để có vốn đối ứng. Song song đó, cần thực hiện nghiêm điều chuyển vốn, tránh tình trạng trả lại vốn. Sau cuộc họp này, từng địa phương phải họp lại để tìm cách tháo gỡ khó khăn, không chấp nhận tình trạng có vốn mà không làm được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đình Lâm