10:07, 24/07/2020

Quyết tháo nút thắt đầu tư công

Ngày 24-7, các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Hội nghị đã xem xét, phân tích nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm, từ đó đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.


 

Ngày 24-7, các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Hội nghị đã xem xét, phân tích nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm, từ đó đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.


Hàng loạt dự án chậm triển khai


Thời gian qua, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước. Đến ngày 20-7, tỷ lệ giải ngân vốn được Thủ tướng Chính phủ giao mới đạt 23%; kế hoạch vốn được tỉnh giao đạt 32,8%. Cụ thể, hiện còn 17 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của cả tỉnh; chỉ có 12 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân. Đến tháng 7, toàn tỉnh có 29 dự án còn khó khăn, vướng mắc. Trong số này, có 13 dự án chậm thực hiện công tác bồi thường giải tỏa; 13 dự án thực hiện thủ tục đầu tư chậm và có 3 dự án chậm cả công tác bồi thường giải tỏa cũng như thủ tục đầu tư.

 

Ông Nguyễn Khắc Định chỉ đạo tại hội nghị.

Ông Nguyễn Khắc Định chỉ đạo tại hội nghị.


Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn tới giải ngân chậm là do thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn tới tiến độ thi công của công trình bị chậm. Các dự án mới khởi công sử dụng ngân sách Trung ương, nguồn dự phòng chung, dự phòng 10% phải hoàn thiện thủ tục theo Luật Đầu tư công và được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư mới đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định. Bên cạnh đó, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sử dụng nguồn ngân sách Trung ương đến nay chưa thể giao kế hoạch vốn năm 2020 bởi các địa phương phải thực hiện rà soát lại đối tượng, mục tiêu, nội dung, quy mô đối với danh mục các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Về nguyên nhân chủ quan, công tác kiểm đếm, phê duyệt đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án còn chậm, kéo dài thời gian làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Các bước công bố giá xây dựng, công xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng chậm ban hành. Do vậy, các chủ đầu tư bị chậm trễ trong công tác lập, trình phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế dự toán công trình và triển khai thi công, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.


Còn nhiều vướng mắc


Ngay trong đầu tháng 7, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình hành động để thúc đẩy đầu tư công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án cụ thể vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại. Các vấn đề về xác định giá đất, thời gian kéo dài các dự án đã ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư công. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang phản ánh, khó khăn nhất mà thành phố gặp phải là xác định giá đất. Nếu làm đầy đủ thủ tục để xác định giá trị đất sẽ mất rất nhiều thời gian. Thời hiệu quyết định giá đất có hiệu lực như thế nào cũng là một vấn đề. Ngoài ra, trong cùng một dự án nhưng có nhiều giá do phê duyệt thu hồi đất ở nhiều thời điểm. Đây là nguyên nhân gây nên khiếu nại, khiếu kiện.

 

Khu vực dự kiến thực hiện dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái, TP. Nha Trang.

Khu vực dự kiến thực hiện dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái, TP. Nha Trang.


Các đại biểu tham dự hội nghị cũng phản ánh, hiện nay, quỹ đất tái định cư rất thiếu. Đa phần các địa phương không chuẩn bị kịp quỹ đất tái định cư cho các dự án. Do đó, khi dự án tiến hành, không có đất tái định cư cho người dân, kéo theo giải phóng mặt bằng bị chậm. Vấn đề nhân lực cũng là một trong những vướng mắc khiến dự án bị chậm. Nhân viên phụ trách về đất đai, đền bù ít nhưng công việc lại rất nhiều.


Ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, bên cạnh những vấn đề đã nêu, hiện còn tồn tại một bất cập nữa khiến đầu tư công bị chậm chính là các đơn vị chọn đơn vị tư vấn không đủ năng lực nên làm chậm quá trình làm thủ tục. Vì vậy, các chủ đầu tư cần phải chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực; cần thường xuyên liên lạc với các sở, ban, ngành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị: “Trong hoàn cảnh đặc biệt phải đưa ra phương pháp đặc biệt. Cần xem lại cơ chế điều hành, không thể để hồ sơ từ Sở Tài nguyên và Môi trường đến UBND tỉnh mà mất tới 7 ngày”.


Qua lắng nghe ý kiến của các sở, ngành và địa phương, Bí thư Tỉnh ủy cùng Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, hiện nay, các thủ tục hành chính rất cứng nhắc, các đơn vị chưa thật sự dồn hết trí lực cho đầu tư công. “Các đồng chí phải xắn tay lên làm, không đủ thời gian thì làm thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật. Trong 300 dự án phải phân ra, xem đang vướng cái gì. Cần phải có giải pháp cụ thể, không chung chung. Những vướng mắc nếu cứ làm như bình thường thì sẽ không bao giờ giải quyết được công việc”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.


Sẽ kỷ luật cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Định đánh giá, theo tính toán thực tế thì đầu tư công của tỉnh rất thấp. Các vướng mắc nêu ra, các tỉnh khác cũng vướng. “Tại sao các địa phương khác làm được mà chúng ta không làm được? Các đơn vị đều đưa ra nhiều lý do nhưng không có đơn vị nào nhận trách nhiệm về mình. Hầu hết các đơn vị kêu khó nhưng đều cam kết hết tháng 9 đạt trên 60%, cuối năm hoàn thành 100%. Vậy đến cuối năm, đơn vị nào không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý”, ông Nguyễn Khắc Định nói.


Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị phải tự chịu trách nhiệm về dự án của mình phụ trách, phải tìm cách tháo gỡ các khó khăn. Cần phải chi tiết công việc đến từng người, cán bộ nào yếu kém phải thay, không thay thì đình chỉ công tác. Một số dự án như: Đường D30, Tỉnh lộ 3, Bệnh viện Đa khoa Nha Trang ngay sau hội nghị phải cấp vốn thực hiện. Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng tổ tư vấn đầu tư công làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân để giúp Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết việc đầu tư công; lập đề cương hướng dẫn làm báo cáo để 2 tuần báo cáo 1 lần. Về phía Tỉnh ủy, ông giao cho 2 Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách vấn đề đầu tư công.


Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, hội nghị hôm nay như hội nghị “Diên Hồng” để thay đổi lề lối làm việc. Sau hội nghị, nơi nào không làm được sẽ chuyển vốn, nơi nào có nhu cầu vốn cần bổ sung vốn. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, cần giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, tăng cường kêu gọi đầu tư. Bởi hiện nay, Khánh Hòa đang là địa phương được nhiều nhà đầu tư trong nước và trên thế giới chú ý. Ông giao các sở cùng TP. Nha Trang chuẩn bị các khu tái định cư phù hợp để phục vụ các dự án trong thành phố. Riêng vấn đề giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, ngoài việc giao cho ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, còn giao cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải, chủ tịch UBND các địa phương: Diên Khánh, Cam Ranh, Cam Lâm. “Trong thời gian tới, đồng chí nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đình chỉ công tác. Hiện nay, tỉnh có khoảng 100 cán bộ trẻ, nên vị trí nào không đảm bảo sẽ đình chỉ để cán bộ nguồn thay thế, không thể làm việc cầm chừng. Mỗi địa phương, mỗi ngành phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ như đã hứa trước hội nghị”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.


Đình Lâm