Sáng 22-7, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục với phiên chất vấn những vấn đề được cử tri quan tâm. Đại biểu đã dành nhiều thời gian để chất vấn về dự án chậm tiến độ, việc xử lý sai phạm ở khu biệt thự cao cấp Ocean View…
Sáng 22-7, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục với phiên chất vấn những vấn đề được cử tri quan tâm. Đại biểu đã dành nhiều thời gian để chất vấn về dự án chậm tiến độ, việc xử lý sai phạm ở khu biệt thự cao cấp Ocean View…
Cần thu hồi dự án Khu du lịch Suối khoáng nóng Trường Xuân
Dự án Khu du lịch (KDL) Suối khoáng nóng Trường Xuân (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất - Chế biến thực phẩm Thành Công (trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) từ tháng 10-2009, nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, khoáng sản, giấy phép xây dựng… Theo quy định, dự án này phải được thu hồi từ lâu, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vẫn đề nghị UBND tỉnh cho gia hạn tiến độ dự án. Đại biểu Nguyễn Ngô đặt câu hỏi: “Tại sao Sở KH-ĐT không tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án này?”.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở KH-ĐT thừa nhận, tiến độ dự án KDL Suối khoáng nóng Trường Xuân chậm hơn nhiều so với quy định tại giấy CNĐT. Tuy nhiên, sau khi Đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND tỉnh giám sát vào tháng 9-2019, nhà đầu tư đã tích cực triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2019, nhà đầu tư đã hoàn thành các thủ tục: Hồ sơ điều chỉnh thiết kế cơ sở; hồ sơ thiết kế thi công; thiết kế phòng cháy chữa cháy; công tác bồi thường và giải tỏa mặt bằng; xác định vị trí và diện tích, hiện trạng rừng. Đối với thủ tục đất đai, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác khoáng sản, nhà đầu tư đã hoàn thành hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên hồ sơ không được giải quyết vì giấy CNĐT hết hạn, dự án chưa được giao đất, cho thuê đất… Chủ trương của Bí thư Tỉnh ủy và UBND tỉnh là đôn đốc nhà đầu tư triển khai dự án, nếu không tích cực triển khai thì mới thu hồi dự án, Sở KH-ĐT đã đề nghị UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án để làm cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo.
Không đồng ý với phần trả lời trên, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 5-2010, nhà đầu tư đã không tích cực triển khai dự án. Những đầu việc mà ông Trần Hòa Nam viện dẫn để minh chứng nhà đầu tư tích cực triển khai đều diễn ra sau khi Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát và quá chậm so với quy định. Việc thu hồi dự án KDL Suối khoáng nóng Trường Xuân hay không phải căn cứ vào quy định pháp luật (giấy CNĐT hết hiệu lực, nhà đầu tư chưa được giao đất...). Khi được hỏi ý kiến, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng đều khẳng định “đủ cơ sở pháp lý để thu hồi dự án này” và nên thu hồi dự án.
Ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT nên cân nhắc, tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án KDL suối khoáng nóng Trường Xuân.
Không “chống lưng” cho vi phạm ở dự án Ocean View Nha Trang
Năm 2009, UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Nhân II đầu tư xây dựng dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang (viết tắt là Dự án Ocean View Nha Trang) với diện tích 7,3ha, trong đó có 69 lô đất biệt thự, mật độ xây dựng 40 - 60% và chỉ được xây dựng với chiều cao 1 - 3 tầng. Kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng giữa năm 2019 xác định, trong 40 lô đã và đang xây dựng có đến 22 biệt thự vi phạm quy hoạch xây dựng, 13 biệt thự xây vượt từ 4 - 8 tầng, mật độ xây dựng 80 - 100%. Theo đại biểu Đoàn Minh Long, UBND tỉnh đã yêu cầu TP. Nha Trang hoàn thành việc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm tại dự án này trước ngày 30-6. “Tuy nhiên, vì sao đến nay, các công trình biệt thự xây dựng trái phép tại đây vẫn ung dung tồn tại, tiếp tục hoàn thiện, có thế lực nào “chống lưng” hay “bật đèn xanh” không?”, ông Long nêu câu hỏi.
Trả lời vấn đề trên, ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hiện nay, phương án tháo dỡ 15 công trình vi phạm đã được trình UBND tỉnh. Việc cưỡng chế, tháo dỡ chậm so với mốc thời gian 30-6 theo chỉ đạo của UBND tỉnh là do chủ đầu tư dự án đã bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt, nhà đầu tư thứ cấp không cung cấp hồ sơ để cơ quan chức năng khảo sát, xây dựng biện pháp tháo dỡ, ảnh hưởng của việc thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
Liên quan đến dự án Ocean View Nha Trang, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quan điểm chung của UBND tỉnh là cương quyết xử lý nghiêm các công trình xây dựng vi phạm tại dự án này theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề này cần được xem xét, cân nhắc thận trọng trước khi tiến hành. Hiện nay, UBND tỉnh đã báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn một trong hai phương án: Một là cưỡng chế, tháo dỡ đối với 15 công trình xây dựng vi phạm; hai là cưỡng chế 7 công trình, cưỡng chế một phần 8 công trình vi phạm còn lại và có chế tài, xử phạt 15 công trình vi phạm này. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo thực hiện phương án nào thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện phương án đó theo đúng quy định của pháp luật.
Tham gia ý kiến về việc xử lý những sai phạm tại dự án Ocen View Nha Trang, nhiều đại biểu bày tỏ tâm tư về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng. Bởi về pháp lý, quy định trong lĩnh vực này đều có đầy đủ nhưng không hiểu vì sao vi phạm vẫn diễn ra. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý vi phạm ngay từ đầu chứ không để vi phạm xảy ra rồi cưỡng chế, tháo dỡ.
Phản hồi ý kiến này, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh không chậm chạp trong việc xử lý các công trình xây dựng vi phạm tại dự án Ocen View Nha Trang. Việc thực hiện các quyết định cưỡng chế 15 công trình vi phạm xây dựng tại đây cần phải được tính toán để đảm bảo xử lý đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Quan điểm của UBND tỉnh là kiên quyết xử lý các vi phạm nhưng cách thức, phương pháp, thời gian tiến hành như thế nào thì đang xin ý kiến lãnh đạo cấp trên, sau đó sẽ có các biện pháp xử lý tiếp theo.
XUÂN THÀNH - HẢI LĂNG
Kiến nghị lùi thời gian xét hỗ trợ về cuối tháng 1
Đại biểu Lê Thị Mai Liên đặt vấn đề, Khánh Hòa là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, nhưng đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ chưa nhiều?
Trả lời vấn đề này, bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 2.084 doanh nghiệp và hơn 58.000 lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, có hơn 16.000 người bị chấm dứt hợp đồng lao động và 42.000 người phải tạm hoãn lao động, thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương. Thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, Sở LĐ-TB-XH đã chủ động thực hiện kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ. Theo quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Khi thực hiện tham mưu cho UBND tỉnh, sở đã chủ động rà soát, thống kê nhanh và đến ngày 20-6 đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng (5.290 người có công, 38.910 đối tượng bảo trợ xã hội, 111.729 người nghèo và cận nghèo) với tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng. Trong số 58.000 người lao động bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, đến nay, các đơn vị cấp huyện đã trình hồ sơ gần 13.000 trường hợp, hiện đang được xét duyệt để hỗ trợ; số còn lại đang gặp vướng mắc nên chưa thể làm hồ sơ. Nguyên nhân là do Khánh Hòa bị ảnh hưởng bởi dịch từ rất sớm, nhiều doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc từ đầu tháng 2 nhưng theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ những lao động nghỉ việc từ ngày 1-4 về sau mới được hỗ trợ nên số lượng lao động của tỉnh tiếp cận được gói hỗ trợ này khá ít. Trong quá trình thực hiện, sở đã có ý kiến với cấp trên. Hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH đã kiến nghị với Thủ tướng lùi thời gian xét hỗ trợ về cuối tháng 1-2020. Nếu kiến nghị này được thông qua, số lượng người lao động của Khánh Hòa được hưởng hỗ trợ sẽ tăng lên nhiều.