Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp chiều 19-5, sau khi nghe Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo đề xuất vị trí thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước: "Nghiên cứu xác định tiềm năng và ứng dụng công nghệ nuôi biển mở ở vùng biển Nam Trung Bộ"...
Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp chiều 19-5, sau khi nghe Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo đề xuất vị trí thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước: “Nghiên cứu xác định tiềm năng và ứng dụng công nghệ nuôi biển mở ở vùng biển Nam Trung Bộ” (thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển).
Được biết, đơn vị chủ trì đề tài là Viện Hải dương học sẽ phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa triển khai mô hình thực nghiệm áp dụng công nghệ nuôi biển mở, lắp đặt 1 hệ thống lồng nuôi có thể tích 3.600m3 theo công nghệ lồng nổi của Italia. Mô hình trình diễn mô hình nuôi cá chim vây vàng ở vùng biển mở, dự kiến đặt tại khu vực phía nam đảo Hòn Mun, thời gian thực hiện 12 tháng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu chuyển vị trí thực hiện mô hình nuôi thực nghiệm đến nơi khác để vừa đảm bảo nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản vừa tránh ảnh hưởng đến Khu Bảo tồn biển Hòn Mun.
Sau khi nghe ý kiến các đơn vị, ông Nguyễn Đắc Tài giao Sở Khoa học và Công nghệ xác định lại vị trí mới để đặt lồng nuôi thử nghiệm theo hướng dịch chuyển từ vị trí đề xuất ra xa phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái để tránh ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển. UBND tỉnh chỉ cho phép thực hiện việc nuôi thực nghiệm này trong 12 tháng và phải đảm bảo các vấn đề về môi trường trong quá trình nuôi.
H.L