Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề của ngành Giáo dục, Du lịch, Nông nghiệp… đã làm "nóng" nghị trường. Báo Khánh Hòa lược ghi một số nội dung chính.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề của ngành Giáo dục, Du lịch, Nông nghiệp… đã làm “nóng” nghị trường. Báo Khánh Hòa lược ghi một số nội dung chính.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra rất dân chủ, các thành viên UBND tỉnh đã thể hiện trách nhiệm cao, trả lời, giải trình thỏa đáng và có giải pháp cụ thể để giải quyết những bất cập còn tồn tại trong thời gian qua mà cử tri đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung UBND tỉnh và các cơ quan chức năng cần tiếp tục tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Hoàng Điệp: Căn hộ du lịch (condotel) là loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới phát triển ở nước ta, trong đó có Khánh Hòa. Vậy, tình hình quản lý nhà nước về căn hộ du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua và sắp đến như thế nào?
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Thời gian qua, do khó khăn về kinh tế nên việc thu hút đầu tư của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Với sự cho phép của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã vận dụng các quy định của pháp luật hiện hành, cho phép một số dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng đầu tư căn hộ du lịch. Nhờ đó, số phòng khách sạn tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch. Năm 2010, toàn tỉnh có 12.000 phòng, đến nay đã có 27.000 phòng, trong đó phòng 3 sao trở lên chiếm 65%.
Sự phát triển căn hộ du lịch đã tạo nguồn thu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các quy định pháp luật cụ thể để quản lý toàn diện đối với loại hình căn hộ du lịch vẫn chưa rõ ràng nên việc quản lý, khai thác vẫn có nhiều khó khăn liên quan đến thuế, lưu trú, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự… Đơn cử như việc chủ căn hộ mua căn hộ rồi tự khai thác (cho thuê lưu trú) đã nảy sinh hai luồng ý kiến: về phía quản lý, chủ căn hộ không đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú nhưng trực tiếp cho thuê lưu trú là sai, trong khi đó nhiều chủ căn hộ cho rằng họ là chủ sở hữu nên được quyền cho thuê... Trong khi chờ hướng dẫn của cấp trên, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan chức năng để tìm giải pháp quản lý việc khai thác căn hộ du lịch. Theo đó, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ tòa nhà (dự án), bao gồm cả các căn hộ du lịch. Hiện nay, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Du lịch, Cục thuế, Công an nghiên cứu cách quản lý phù hợp, đảm bảo hoạt động ổn định của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có căn hộ du lịch.
Việc mua bán căn hộ du lịch không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký theo mẫu, điều kiện chung (quy định tại Quyết định số 02 ngày 13-1-2012 và Quyết định số 35 ngày 20-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ) nên thời gian qua xuất hiện nhiều loại hợp đồng khác nhau giữa chủ đầu tư với người mua. Các loại hợp đồng này hoàn toàn là sự thỏa thuận đơn phương giữa chủ đầu tư với người mua căn hộ; do thấy hứa hẹn nhiều lợi nhuận, người mua căn hộ đã ký hợp đồng mua mà không tìm hiểu kỹ nên khi xảy ra tranh chấp người mua chịu nhiều bất lợi.
Qua đây tôi đề nghị những người có nhu cầu mua căn hộ du lịch phải nghiên cứu kỹ hợp đồng, quy định của pháp luật về loại hình này. Căn hộ du lịch nằm trong dự án du lịch, đất ở đây là đất kinh doanh chứ không phải đất ở nên không thể sở hữu lâu dài như nhà ở mà phải theo thời hạn của dự án. Do chữ “căn hộ” nên nhiều người ngộ nhận được sở hữu một căn chung cư, yêu cầu phải có sổ đỏ riêng, được đăng ký hộ khẩu, thành lập Ban quản trị chung cư… Những điều này là không được phép.
Khánh Hòa áp dụng mô hình VNEN rất linh hoạt
Đại biểu Phạm Thúy Quỳnh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh: Việc thực hiện thí điểm mô hình giáo dục kiểu mới (mô hình VNEN) trên địa bàn tỉnh sẽ kéo dài bao lâu? Có tiếp tục triển khai đại trà không? Đối với học sinh (HS) đang theo học mô hình VNEN nếu tham gia xét tuyển vào lớp 10 THPT trong năm học tới sẽ tính điểm như thế nào?
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Từ năm học 2012 - 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho áp dụng chương trình VNEN. Tại Khánh Hòa, việc áp dụng đến nay đã được 6 năm, nhưng không bắt buộc (trường nào có đủ điều kiện thì đăng ký, trường nào chưa đủ điều kiện thì có thể đăng ký một số lớp). Đến nay, toàn tỉnh có 55/198 trường tiểu học áp dụng hình thức VNEN và có khoảng 21.000 HS trong gần 100.000 HS học theo chương trình này. Như vậy, tỷ lệ trường có HS học theo mô hình này không cao. Phương pháp dạy của VNEN rất tiến bộ, tuy nhiên đòi hỏi về cơ sở vật chất rất ngặt nghèo, cho nên chúng tôi không ép buộc, nơi nào có điều kiện thì cho mở. Bây giờ, nếu các trường thấy khó khăn, xin thôi áp dụng mô hình VNEN, ngành GD đồng ý ngay.
Để chuẩn bị tốt cho việc áp dụng mô hình VNEN, chúng tôi đã có kế hoạch, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tự sắp xếp kinh phí cải tạo lại phòng học, bàn học, nơi nào khó khăn UBND tỉnh hỗ trợ… nhưng các địa phương vẫn chưa làm được. Đối với chất lượng GD của mô hình VNEN so với đại trà thì mô hình VNEN tốt hơn. Phải khẳng định, Khánh Hòa áp dụng mô hình VNEN rất linh hoạt, chỉ áp dụng phương pháp dạy học chứ chương trình chung thì không có gì khác.
HS các trường THCS áp dụng mô hình VNEN được vừa đánh giá, vừa cho điểm; việc đánh giá hạnh kiểm của các em cũng được áp dụng như HS học theo chương trình đại trà. Vì thế, việc xét tuyển vào lớp 10 của các em vẫn bình thường.
Đại biểu Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh: Đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết về tình trạng dạy thêm, học thêm; tình trạng lạm thu trong các trường học tràn lan ở địa bàn TP. Nha Trang thời gian qua; đâu là giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này?
Ông Lê Tuấn Tứ: Phải khẳng định việc dạy thêm, học thêm là vấn đề bức xúc, không riêng Khánh Hòa mà ở nhiều tỉnh, thành khác. UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này. Tuy nhiên, cần phải phân định rạch ròi: Sở GD-ĐT quản lý các trường THPT và một số cơ sở tương đương; các trường tiểu học và THCS do các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Đối với các cơ sở GD mà sở quản lý, chúng tôi đã kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định. Riêng đối với các cơ sở GD do UBND cấp huyện quản lý thì chưa quản lý chặt chẽ vấn đề dạy thêm, học thêm. Thông tư của Bộ GD-ĐT quy định, cá nhân, tổ chức muốn dạy thêm thì phải đăng ký với UBND cấp xã, khi UBND cấp xã xác định đủ điều kiện thì UBND cấp huyện cấp giấy phép, từ đó được phép dạy thêm. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp xã kiểm tra tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chung nhưng không thể đi kiểm tra, kiểm soát các quyết định UBND huyện ban hành được cho nên chúng tôi đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo vấn đề này theo các quy định của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh để việc dạy thêm, học thêm đi vào nề nếp.
Ngành GD rất quyết liệt đối với vấn đề lạm thu. Theo quy định, các trường học chỉ được phép thu học phí và thu hộ tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể. Nhiều khoản thu khác do hội phụ huynh chủ trì như: xã hội hóa, quỹ phụ huynh HS, các khoản thu hỗ trợ nhà trường... Những khoản thu này không thu đại trà, bắt buộc, tuy nhiên trên thực tế, hội phụ huynh HS ở các trường thường đưa ra mức thu đồng loạt, có thể ở mức cao nên một số phụ huynh phản ứng. Đối với khoản thu để tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường là việc nghiêm cấm, tuy nhiên, tại 2 trường tiểu học chất lượng cao là Phước Tiến và Lộc Thọ (TP. Nha Trang) do phụ huynh có nhu cầu cho con em mình được tiếp cận về tin học, ngoại ngữ nên đã tự đóng góp, tự mua. Đối với các khoản thu hộ như: bảng tên, đồng phục, đồ thể dục nhà trường phải công khai cho phụ huynh biết.
Sau khi kiểm tra, đối với những khoản thu không đúng, sở đã yêu cầu các trường trả lại cho phụ huynh HS; đối với các trường thuộc UBND cấp huyện quản lý, sở đã đề nghị Phòng GD-ĐT kiểm tra, báo cáo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Đã xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản
Đại biểu Phạm Bình Hoàn - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Sau cơn bão số 12, thiệt hại về lồng bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) rất lớn, đề nghị ông cho biết có bao nhiêu ô lồng phát triển tự phát ngoài quy hoạch, việc thực hiện quy hoạch NTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao? Những khuyến cáo về chuyên môn của sở đối với các hộ NTTS sau bão như thế nào?
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tuy quy hoạch chi tiết NTTS trong các vịnh: Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong đến năm 2015 đã được phê duyệt nhưng để triển khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, các địa phương phải xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực để triển khai. Đến nay, chỉ có TP. Nha Trang xây dựng, phê duyệt đề án và tiến hành sắp xếp lồng bè theo quy hoạch được duyệt. Đối với vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong, do khó khăn về nguồn lực và các điều kiện khác nên các địa phương chưa tiến hành xây dựng đề án triển khai quy hoạch chi tiết. Riêng quy hoạch nuôi trong vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh), tuy chưa có đề án, kế hoạch chi tiết nhưng người dân tổ chức nuôi lâu nay đều được bố trí trong vùng quy hoạch nhưng mật độ nuôi quá dày. Đối với vịnh Cam Ranh, khu vực nuôi hiện nay đã hình thành trước khi quy hoạch, duy trì cho đến nay, do vậy chưa được bố trí vào vùng được quy hoạch mà mật độ nuôi cũng không đảm bảo. Đối với đầm Nha Phu chưa có quy hoạch chi tiết.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 45.000 ô lồng NTTS, trong đó có 12.500 ô lồng nuôi ngoài quy hoạch.
Đối với tiến độ phê duyệt quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, hoàn thành quy hoạch, UBND tỉnh dự kiến trình tại kỳ họp thứ 5 lần này. Nhưng theo chỉ đạo của HĐND tỉnh, UBND tỉnh phải tiến hành các thủ tục để thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên chưa thể thông qua tại kỳ họp này; UBND tỉnh đã đăng ký với HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới.
Đối với việc hướng dẫn người dân khôi phục NTTS sau cơn bão số 12, bên cạnh việc tập trung cùng với các địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, khẩn trương tiến hành hỗ trợ theo quy định và đề xuất các cơ chế hỗ trợ đặc thù, một nội dung trọng tâm mà sở triển khai là xác định vùng nuôi và kỹ thuật lồng bè đúng tiêu chuẩn, khuyến khích nuôi theo lồng nuôi công nghệ Na Uy, bởi trong cơn bão vừa qua, 2 doanh nghiệp nuôi theo công nghệ Na Uy trên vịnh Vân Phong vẫn an toàn. Về xác định vùng nuôi, sở đang phối hợp với Viện Kinh tế - Quy hoạch Thủy sản làm việc với các địa phương, rà soát, thống nhất đề xuất các vùng nuôi trồng thủy, hải sản trong các vịnh: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và đầm Nha Phu, dự kiến trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trước ngày 20-12. Đồng thời, sở đã đề xuất xây dựng mô hình nuôi tôm hùm lồng bằng nhựa HDPE, đề nghị cho phép triển khai 2 - 3 lồng nuôi cho 1 mô hình nuôi ở 3 vùng nuôi chính: Vạn Ninh, Nha Trang, Cam Ranh.
Lúng túng trong việc triển khai Nghị định 75
Đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh: Nghị định 75 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 có rất nhiều chính sách ưu việt nhưng lại chậm được triển khai trên địa bàn tỉnh. Vậy đâu là nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan chức năng?
Ông Lê Tấn Bản: Nghị định 75 ban hành năm 2015 nhưng do chờ thông tư cũng như các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có chậm triển khai và chúng tôi nhận khuyết điểm về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế trước khi có thông tư hướng dẫn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra nhiều văn bản, tổ chức các cuộc họp với các địa phương, đơn vị chủ rừng nhà nước để triển khai Nghị định 75 nhưng nhìn chung cấp huyện còn lúng túng trong việc triển khai.
Mới đây, ngày 14-11, sở đã có văn bản tiếp tục yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Nghị định 75, đến nay có 7 địa phương đã có báo cáo lên sở nhưng các địa phương vẫn chưa đề xuất phương án, dự án cụ thể; chưa có đề xuất các nội dung hỗ trợ có liên quan nên sở chưa đề xuất với UBND tỉnh ban hành các quy định cụ thể.
Thực tế, so với các chính sách trước đây, Nghị định 75 bổ sung thêm nội dung hỗ trợ gạo, chính sách tín dụng, nâng mức hỗ trợ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ người Kinh nghèo và cộng đồng dân cư thôn được giao rừng sống tại khu vực xã thuộc khu vực II và khu vực III; đối tượng được hưởng thụ Nghị định 75 tại Khánh Hòa chủ yếu tham gia nhận khoán bảo vệ rừng và trồng rừng sản xuất và thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi, còn các nội dung hỗ trợ khác hầu như không thực hiện được.
Giải pháp cho nút giao thông đường Ngô Đến và đường 2-4
Đại biểu Đoàn Minh Long: Nhiều cử tri phản ánh nút giao giữa đường Ngô Đến và đường 2-4 TP. Nha Trang mất an toàn giao thông, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn. Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành Giao thông của tỉnh, ông cho biết giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) ở khu vực này?
Ông Nguyễn Công Định: Qua kiểm tra thực tế, hiện nay, hệ thống ATGT tại khu vực nút giao giữa đường Ngô Đến và đường 2-4 đã được bố trí đầy đủ: đã tổ chức phân làn (bố trí chiều ra, chiều vào riêng biệt), hệ thống biển báo, sơn đường... Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra nhận thấy đa số các phương tiện xe mô tô không chấp hành luật, đi sai đường (đi vào đường 1 chiều). Tại khu vực nút giao trên đường Ngô Đến còn một số hộ buôn bán lấn chiếm vỉa hè, che dù bạt làm khuất biển báo, giảm tầm nhìn gây mất ATGT.
Đây là tuyến đường do TP. Nha Trang quản lý nên sau khi kiểm tra, Ban ATGT tỉnh đã đề nghị TP. Nha Trang chỉ đạo: Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang tăng cường lực lượng kiên quyết xử lý các trường hợp đi sai đường, đi vào đường cấm; Phòng Quản lý đô thị Nha Trang cử lực lượng phối hợp UBND phường Vĩnh Phước xử lý dứt điểm các hộ buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại khu vực nút giao; Phòng Quản lý đô thị Nha Trang kiểm tra lại các biển báo, vạch sơn đường, tiến hành sơn sửa, thay thế theo đúng quy chuẩn, tham mưu UBND thành phố lắp đặt thêm 1 đèn cảnh báo “nháy vàng” trên đường 2-4, vị trí lắp đặt cách nhánh đường Ngô Đến khoảng 50m theo hướng từ đèo Rù Rì về Nha Trang. Hiện nay, những kiến nghị trên đã được TP. Nha Trang thực hiện. Việc lắp đặt đèn cảnh báo “nháy vàng” sẽ hoàn thành trong quý I/2018.
Ban ATGT tỉnh cũng đã kiến nghị TP. Nha Trang đầu tư xây dựng đường Ngô Đến theo quy hoạch chi tiết 1/2.000 xây dựng khu dân cư phường Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 139/QĐ-UBND ngày 17-6-2009. Theo TP. Nha Trang, đường Ngô Đến (hiện trạng là đường bê tông dài 1,5km, mặt đường rộng khoảng 6m, không có vỉa hè) theo quy hoạch sẽ được xây dựng 14m (8m mặt đường, vỉa hè mỗi bên 3m). Do kinh phí đầu tư lớn (chủ yếu là kinh phí giải tỏa) nên hiện nay UBND TP. Nha Trang chưa bố trí được kinh phí đầu tư theo kế hoạch trung hạn 5 năm 2016 - 2020. Hiện nay, UBND TP. Nha Trang đã giao UBND phường Vĩnh Phước tổ chức họp, vận động nhân dân thực hiện đầu tư xây dựng đường Ngô Đến theo Nghị quyết của Thành ủy Nha Trang.
XUÂN THÀNH - HẢI LĂNG (Lược ghi)