02:02, 03/02/2019

Dân là gốc qua tầm cao tư tưởng Hồ Chí Minh

70 năm trước, ngày 15-10-1949 Báo Sự Thật đăng bài "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. Bài báo ra đời ở thời điểm cả nước đang chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

70 năm trước, ngày 15-10-1949 Báo Sự Thật đăng bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. Bài báo ra đời ở thời điểm cả nước đang chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác phẩm đã chỉ dẫn về nội dung, phương pháp dân vận vô cùng sâu sắc nhưng hết sức giản dị, tỏ rõ phong cách của vị lãnh tụ thiên tài. Năm 2019 cũng là năm toàn Đảng, toàn dân kỷ niệm 50 năm làm theo Di chúc của Người. Qua các tác phẩm này, chúng ta càng thấy được tầm cao tư tưởng của Người trong nhận thức giá trị Dân là gốc.


Thấm nhuần giá trị muôn đời


Dân là gốc không phải là một tư tưởng, một phát kiến của riêng cá nhân hay quốc gia nào. Đây là một giá trị mặc định của nhân loại kể từ khi xuất hiện hình thái nhà nước đầu tiên, cả phương Đông lẫn phương Tây.

 

1

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh tư liệu


Từ hàng nghìn năm trước, sách Thượng Thư, thiên Ngũ Tử chi ca đã có câu: “Dân duy bang bản, bản cố bang ninh” (Dân chính là gốc rễ của đất nước, gốc rễ có vững chắc thì nước mới yên ổn). Tuân Tử, một triết gia Trung Hoa (298 -238 tr CN) cuối đời Chiến Quốc viết: “Dân là nước, nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền”. Dân là sức mạnh, nguồn sống của đất nước, dân có được yên ổn đất nước mới được yên ổn, dân có được ấm no đất nước mới có thể giàu mạnh.


Hiện nay, chúng ta đã quá quen thuộc với nguyên tắc “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Đây là tư tưởng được tổng thống vĩ đại nước Mỹ Abraham Lincoln nói ra lần đầu tiên cách nay 156 năm, trong diễn văn Gettysburg nổi tiếng tại lễ khánh thành Nghĩa trang Quốc gia vào tháng 11 năm 1863. Lincoln nói rằng: “… một chính phủ của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ lụi tàn khỏi trái đất này”. Có thể thấy, dù là bất cứ quốc gia nào, thời kỳ nào, người quản lý đất nước phải hằng tâm niệm và thấm nhuần câu “dĩ dân vi bản”, coi trọng nhân dân, lấy nhân dân làm gốc.


Tư tưởng “Dân là gốc” đã được cha ông ta, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tiếp thu, sáng tạo theo đúng bản sắc dân tộc mình. Khi quân Nguyên - Mông lăm le sang thôn tính Đại Việt, Vua Trần vời Hưng Đạo vương  Trần Quốc Tuấn để hỏi kế giữ nước, ông không khuyên vua xây thành cao, hào sâu mà chủ trương khoan thư sức dân, làm cho dân giàu nước mạnh, coi lòng dân hơn bất cứ thành trì nào để giữ nước. Ông xem việc đoàn kết nội bộ là nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo thành sức mạnh. Nhìn lại ba cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông thắng lợi, ông xác định đó là do: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức”. Trần Hưng Ðạo trước phút lâm chung đã đúc kết triết lý nền tảng đó thành lời dặn dò Ðức vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.


Nguyễn Trãi, nhà văn hóa lớn, vị anh hùng dân tộc qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh luôn thấm đẫm tinh thần vì dân. Ngay mở đầu Cáo bình Ngô, ông đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo...”. Nội dung lớn của văn hóa chính trị mà Nguyễn Trãi suốt đời theo đuổi chính là nhân nghĩa, là chăm lo cho nhân dân. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi về bản chất là tư tưởng được phát biểu từ góc độ người dân. Suốt cuộc đời trung trinh của ông, Nguyễn Trãi luôn khẳng định tư tưởng đó khi viết Phúc chu thủy tín dân do thủy (Làm lật thuyền mới biết dân như nước).


Phát triển lên tầm cao mới


Trong thời đại Hồ Chí Minh, “Lấy dân làm gốc” được Bác Hồ diễn giải giản dị, gần gũi, để dễ dàng trở thành kim chỉ nam trong mỗi hành động của Ðảng, của các cấp chính quyền, của cán bộ, đảng viên.


Bôn ba khắp năm châu, đúc kết tinh hoa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần cốt lõi, chỉ có một đất nước “của dân, do dân, vì dân” mới có thể vững bền. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, chế độ ta luôn “lấy dân làm gốc”, “đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết”, “tuân theo ý chí và nguyện vọng của nhân dân”.


Đại đoàn kết toàn dân tộc là một tư tưởng rất nổi bật của Hồ Chí Minh, trở thành đường lối cơ bản của Đảng ta. Trong bài báo “Dân vận”, Người đề cập đến đại đoàn kết dân tộc với tinh thần triệt để nhất: “Không bỏ sót một người dân nào”. Tinh thần này phải được quán triệt trong công tác dân vận. Các hình thức tập hợp nhân dân phải hết sức đa dạng để đoàn kết tập hợp mọi người dân, mọi lứa tuổi vào tổ chức. Khác với thời kỳ chưa có chính quyền, công tác dân vận chỉ có điều kiện đi vào các đối tượng tiên tiến, giác ngộ, nay phải đi đến mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng. Càng khó khăn, càng lạc hậu lại càng cần đến công tác dân vận.


Vấn đề phương thức và tác phong dân vận cũng được Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Người không chỉ nói mà còn hành động thực tế, nêu một tấm gương sáng mà trước đây ta thường khái quát thành tác phong Hồ Chí Minh. Bác Hồ viết: “Dân vận không chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước hết là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điều thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm tra thảo lại công việc rút ra kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Điều mà Bác Hồ viết trên đây chính là khẩu hiệu chúng ta thường nêu: “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”.


Nhân dân công bằng lắm, chỉ cần toàn tâm toàn ý vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, nhân dân sẽ một mực tin yêu mà đi theo Đảng, Đảng cũng nhờ đó mà ngày càng trưởng thành, giữ vững địa vị độc tôn lãnh đạo của mình. Bác Hồ từng nói, Đảng ta là Đảng của cả dân tộc, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân... Chúng ta càng thấu hiểu tầm cao trí tuệ, tư tưởng lấy dân làm gốc, lấy sức dân mà chăm lo cho dân, thể hiện qua câu thơ của Người:


“Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu hạnh phúc trên nền nhân dân”.


Lời Người dặn trước lúc đi xa: Chăm lo cho nhân dân


Cách đây tròn 50 năm, trước khi Người đi xa về gặp các cụ Các Mác, Lênin, Người đã để lại Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân ta. Mong muốn lớn nhất, dặn dò tha thiết nhất của Người cho muôn vàn thế hệ mai sau vẫn là chăm lo cho nhân dân. Nhân dân, đất nước với Đảng là một khái niệm hòa quyện, không thể tách rời trong tư duy của Người. Người dặn dò: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.


Suốt 79 mùa xuân thanh bạch, Người luôn tận trung với nước, trung thành với lý tưởng của Đảng, mối quan tâm duy nhất của Người chỉ là chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”.


Một điểm nhỏ cần phải đính chính


 Rất nhiều cán bộ, giảng viên hễ cứ nói đến tư tưởng vì dân của Bác, thường dẫn câu nói được cho là của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hợp lý quá mà, bởi câu nói lột tả được vai trò của quần chúng nhân dân, rất giản dị theo đúng phong cách của Bác. Nhân dịp này chúng tôi xin được thưa lại là nếu ai nghĩ vậy là chưa chịu nghiên cứu kỹ. Thực chất đây là hai câu trong một bài ca dao khá nổi tiếng thời chống Pháp của... nhà thơ Thanh Tịnh. Bài này được nhà thơ Thanh Tịnh sáng tác năm 1948 trong cuộc vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp. Đó là bài Dân no thì lính cũng no. Mấy câu thơ đầu tiên là thế này:


“Trông lên thì thấy đầy sao


Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân


Dễ trăm lần không dân cũng chịu


Khó vạn lần dân liệu cũng xong


Thóc thuế mà có dân đong


Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi…”


Sự nhầm lẫn nhỏ này cũng là lời nhắc nhở cho mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình học tập, nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác. Đó là nghiêm túc nghiên cứu, tiếp cận văn bản gốc của Bác để hiểu hết thần thái, ý tứ lời dạy của Người, đừng dễ dãi chấp nhận những bài giảng mà một người nhầm, kéo theo vô số người nhầm theo.


****


Năm 2018 vừa qua chính là “Năm dân vận của chính quyền”. Năm mà Trung ương quyết liệt chỉ đạo tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra rất lớn, kết quả đạt được thì còn nhiều điều phải bàn, nhưng điều đó cho thấy, toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị đang nghiêm túc triển khai thực hiện tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lấy dân làm gốc, về đổi mới công tác dân vận.

 

Trần Duy