11:02, 05/02/2019

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: Vượt khó thực hiện cơ chế tự chủ

Từ năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Qua 2 năm thực hiện, bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc bệnh viện cho biết:

Từ năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Qua 2 năm thực hiện, bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc bệnh viện cho biết:


- Bệnh viện được UBND tỉnh và Sở Y tế đồng ý cho hoạt động tự chủ từ năm 2017, đây là hoạt động tự chủ của đơn vị thuộc nhóm 2, tức là bệnh viện không nhận kinh phí ngân sách cấp mà phải chủ động mọi hoạt động chi thường xuyên, kể cả lương, phụ cấp của cán bộ, công nhân viên. Với một bệnh viện hơn 1.200 giường, hơn 1.400 cán bộ, công nhân viên, đây là một thử thách lớn của Ban Giám đốc và toàn thể thầy thuốc của bệnh viện trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng.


Với cơ chế này, bệnh viện được tự lo liệu và quyết định một số hoạt động để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ. Bình quân mỗi tháng, bệnh viện phải đảm bảo chi khoảng 11,3 tỷ đồng cho các hoạt động, kể cả lương, phụ cấp của cán bộ, công nhân viên.


Tự chủ nhóm 2, bệnh viện vẫn được ngân sách cấp kinh phí để mua sắm thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, nhưng trong bối cảnh chung của tỉnh, ngân sách cấp còn chậm (do vướng nhiều thủ tục) nên việc mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của bệnh viện. Trong bối cảnh khó khăn đó, bệnh viện đã tự xoay sở để mua sắm trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ nhưng lại gặp nhiều khó khăn do thủ tục phức tạp, kể cả việc mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ người bệnh, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của bệnh viện.


- Bác sĩ có thể nói rõ hơn về những khó khăn của bệnh viện trong việc tự chủ tài chính?


- Năm 2018, bệnh viện đang ổn định tự chủ với các điều kiện hiện có thì cấp trên ra chủ trương giảm viện phí khiến bệnh viện hụt thu gần 20 tỷ đồng nhưng không được nguồn nào cấp bù nên ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện, chất lượng phục vụ bệnh nhân. Bệnh viện muốn hình thành các đơn vị chuyên môn gọn và chuyên sâu để đào tạo, hợp tác phát huy chuyên môn nhưng cũng chưa thực hiện được vì chưa có chính sách hướng dẫn chung. Việc mua sắm thuốc, vật tư, phương tiện đều phải xin phép và chờ đợi làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Hoặc, bệnh viện cần xe cấp cứu, cần máy lạnh phục vụ cho các phòng thiết bị phục vụ bệnh nhân nhưng không tự mua được do chưa có chỉ đạo của cấp trên, của ngành về mua sắm tập trung…


Ngoài ra, sự đi sâu quản lý của bảo hiểm y tế là một khó khăn lớn cho hoạt động của bệnh viện. Nhiều mục cần thiết nhưng bảo hiểm y tế và các quy định chi không đồng bộ nên bệnh viện gặp khó trong phục vụ bệnh nhân. Hiện nay, bảo hiểm y tế đang nợ bệnh viện 80 tỷ đồng chưa quyết toán kịp thời làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bệnh viện. Bệnh viện không thể tự xoay sở tự chủ theo các kế hoạch, chủ trương của bệnh viện.


- Trong bối cảnh khó khăn đó, bệnh viện đã đạt kết quả như thế nào sau 2 năm thực hiện tự chủ tài chính, thưa bác sĩ?


- Tuy có nhiều khó khăn nhưng 2 năm qua, bệnh viện luôn nỗ lực khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Năm 2018, tất cả các chỉ tiêu chuyên môn của bệnh viện đều đạt vượt mức so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, bệnh viện đã khám cho hơn 374.500 lượt bệnh nhân, đạt 120,8% kế hoạch; điều trị nội trú cho hơn 83.200 lượt bệnh nhân, đạt 133,1%; phẫu thuật hơn 18.900 ca, đạt 158%; công suất sử dụng giường đạt 114,6%, xếp loại tốt theo chuẩn của Bộ Y tế.


Bên cạnh đó, bệnh viện không ngừng củng cố và hoàn thiện các kỹ thuật, thủ thuật đã làm được, đồng thời chú trọng phát triển những kỹ thuật, thủ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện được các phẫu thuật chuyên sâu như: phẫu thuật túi phình động mạch não, phẫu thuật tim hở và can thiệp tim bẩm sinh, giúp giảm tải cho tuyến trên, đồng thời tiết kiệm được thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân. Trong năm, bệnh viện cũng đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới như: lọc màng bụng liên tục 24 giờ bằng máy; siêu âm trong lòng mạch vành; chụp nút mạch điều trị ung thư gan; điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng tần số radio; thăm dò điện sinh lý tim; khoan các tổn thương vôi hóa ở động mạch; thông mũi họng ngược dòng ở trẻ em; chọc hút tế bào dưới hướng dẫn của siêu âm; phẫu thuật giải phóng chèn ép thần kinh tam thoa, thần kinh mặt trong đau, co giật nửa mặt bằng đường mở nắp sọ; phẫu thuật lấy lớp áo trong động mạch cảnh; phẫu thuật nội soi tái tạo lại dây chằng chéo trước; phẫu thuật nội soi hỗ trợ điều trị gãy xương phạm khớp vùng gối…


Để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện đã chủ động hợp tác, liên kết mua sắm thiết bị phục vụ chẩn đoán, đồng thời mời nhiều chuyên gia trong, ngoài nước đến làm việc, chuyển giao kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương “chất lượng tuyến Trung ương, kinh phí theo mức địa phương”. Đồng thời, củng cố phát triển Trung tâm Dịch vụ y tế với cơ chế rộng mở, nhu cầu đa dạng phục vụ bệnh nhân. Nghiên cứu duy trì và phát triển số bệnh nhân thu dung điều trị, thu hút được thầy thuốc ở lại và đến với bệnh viện để phục vụ bệnh nhân, qua đó góp phần ổn định đời sống các thầy thuốc và phát triển các chuyên khoa theo nhu cầu của xã hội.


- Bác sĩ có đề xuất, kiến nghị gì với các cấp, ngành để hoạt động tự chủ tài chính của bệnh viện trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn?


- Để bệnh viện có thể tự chủ, phát huy hết khả năng, đặc biệt là quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm của lãnh đạo quản lý đơn vị, cần có các chính sách đồng bộ từ cấp Trung ương và cấp liên ngành, địa phương. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần có những hướng dẫn kịp thời, phù hợp với nhu cầu thực tế, đặc biệt cần có tính pháp lý trong nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ kinh tế của ngành Y tế và bảo hiểm y tế để phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tự chủ của đơn vị.


- Xin cảm ơn bác sĩ!


Minh Tú (Thực hiện)