Trong giới cầu thủ, hầu như ai cũng gắn với biệt danh nào đó. Ở Sanna Khánh Hòa, những biệt danh của các cầu thủ dường như cũng là yếu tố thể hiện ý chí, nghị lực và tính cách của họ.
Trong giới cầu thủ, hầu như ai cũng gắn với biệt danh nào đó. Ở Sanna Khánh Hòa, những biệt danh của các cầu thủ dường như cũng là yếu tố thể hiện ý chí, nghị lực và tính cách của họ.
Anh cứ gọi em là “Mạnh nhái”
Giữa tháng 11-2017, khán đài sân vận động quốc gia Mỹ Đình như vỡ tung, bởi đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam chính thức giành vé đến vòng chung kết Asian Cup 2019 sau khi cầm hòa Afghanistan. Đó là trận đấu mà thủ thành Tuấn Mạnh của Sanna Khánh Hòa được bắt chính. Chứng kiến những pha bay nhảy, cứu thua đến không tưởng trong trận đấu này, nhiều người đã gắn cho Tuấn Mạnh biệt danh “người nhện”. Danh xưng ấy không thể có được chỉ sau một trận đấu, mà sự ưu ái của người hâm mộ dành cho Tuấn Mạnh được xây đắp trong suốt hành trình 3 năm khoác áo Sanna Khánh Hòa, nơi anh thi đấu hết sức chắc chắn, ổn định, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của đội bóng phố biển.
Trong câu chuyện với chúng tôi về danh xưng người nhện, Mạnh chỉ khẽ cười khiêm tốn: “Tên gọi ấy nghe không quen. Em thích được gọi là người nhái hơn”. Theo Mạnh thì cái tên người nhái nghe gần gũi, Việt Nam hơn và cũng phù hợp hơn khi anh đang thi đấu cho đội bóng phố biển.
Với thủ thành người Thanh Hóa, thời điểm cuối năm 2014, TP. Gia Lai như giá lạnh hơn không chỉ bởi mùa đông ở xứ cao nguyên này đang ở hồi khắc nghiệt nhất, mà còn bởi cú điện thoại “chấm dứt hợp đồng” từ câu lạc bộ chủ quản. Mạnh bị đẩy ra đường sau 8 năm gắn bó, giữa lúc người vợ trẻ đang mang thai. Anh đi gõ cửa khắp nơi, nhưng đáp lại đều là những cái lắc đầu vì các đội khác đã có đủ thủ môn. Vô vọng, đã có lúc Tuấn Mạnh tính giã từ sự nghiệp, đi buôn. May là trong lúc khốn khó đó, Sanna Khánh Hòa đã chìa bàn tay ra, giúp Mạnh duy trì được sự nghiệp và tỏa sáng như ngày hôm nay.
Đội trưởng trẻ và thú câu cá
Trên sân, trung vệ đội trưởng Văn Vũ là một hòn đá tảng. Chắc chắn, lì lợm, phán đoán tốt, Văn Vũ luôn được xem là mắt xích quan trọng bậc nhất trong sơ đồ chiến thuật thiên về phòng ngự vốn đã thành đặc sản của Sanna Khánh Hòa. 21 tuổi, Văn Vũ đã đeo băng đội trưởng, cùng với các đồng đội chinh phục hạng nhì, lên hạng nhất rồi lên thẳng V-League cho đến nay. Hình ảnh người đội trưởng tả xung hữu đột, hóa giải không biết bao nhiêu đường lên bóng của đối phương đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ đội bóng phố biển.
Ngoài đời, thú vui yêu thích của chàng trai đến từ Ninh Hòa là câu cá đồng. Bất cứ lúc nào nghỉ thi đấu, tập luyện, Vũ cùng với gia đình lại chạy ngay về Ninh Hòa để buông cần bên dòng sông Dinh hiền hòa thơ mộng. Lướt qua facebook của Văn Vũ, ngoài bóng đá, mỗi lần câu được con cá to, Vũ đều khoe bạn bè. “Câu cá cũng là một thú vui. Con cá câu được lúc thì kho tiêu, kho nghệ, lúc lại kho gừng. Ăn ghiền luôn. Có khi làm mồi nhâm nhi vài chai với bạn bè cũng bén lắm”, Văn Vũ chia sẻ.
Trong câu chuyện về tình duyên, cô vợ hiền Thảo Xuân của Văn Vũ kể rằng, họ quen nhau khi Vũ còn là một cầu thủ tuyến U, lương bổng chẳng được bao nhiêu. Còn Xuân thì đang là sinh viên Trường Đại học Nha Trang nên cũng cơ hàn như bạn. Sau mỗi ngày tập, 2 đứa lại mượn chiếc xe máy cà tàng dạo quanh Nha Trang một vòng rồi về. Mối tình dung dị ấy cũng chính là động lực giúp cho Văn Vũ trải qua sóng gió sự nghiệp khi bóng đá Khánh Hòa bị khai tử vào năm 2012. Lứa Văn Vũ lúc bấy giờ đang ở hồi “ra ràng” sau ngót nghét 10 năm tập luyện. Có lẽ vì thế, khi tiếp tục được gắn chặt với đam mê, Văn Vũ cũng như nhiều đồng đội ở Sanna Khánh Hòa có được lòng yêu nghề và khát khao cống hiến hiếm thấy. Có thể Sanna Khánh Hòa không thuộc diện mạnh ở V-League, nhưng thứ vũ khí tinh thần là điều mà các đối thủ đều phải e ngại khi đối diện với Sanna Khánh Hòa.
Chí “bốc gạch” tán đổ hotgirl
Cuối tháng 11-2017, tiền vệ Nguyễn Hoàng Quốc Chí chính thức “rước nàng về dinh” bằng một đám cưới rất đỗi lãng mạn ở phố biển. Ít ai ngờ rằng, anh chàng nhìn như nông dân ấy lại có khả năng tán đổ được cô gái Trúc Phương xinh xắn. Theo lời kể của cô sinh viên khoa múa và cũng là một hotgirl của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, trong một lần Phương làm thêm ở một quán cà phê, Quốc Chí và một số người bạn đến uống rồi chỉ trao đổi sơ sơ. Ai ngờ, bằng cách nào đó Quốc Chí đã có được số điện thoại và nhắn tin làm quen. Ban đầu, Trúc Phương chỉ coi Chí như bạn bè bình thường, nhưng có lẽ nhờ nét chân chất, thật thà của tiền vệ có cái chân trái rất dị này nên… sau 3 tháng tán tỉnh, cuối cùng người đẹp cũng gật đầu hẹn hò.
Nhiều người chơi thân với Quốc Chí đều có chung nhận xét, anh chàng này tính tình vui vẻ, hay đùa nghịch và đầy nhiệt tâm. Tố chất ấy được thể hiện trên sân cỏ, khi cánh trái, nơi có sự xuất hiện của Quốc Chí luôn để lại dấu ấn bùng nổ và là một mảnh ghép khó thay thế trong màu áo Sanna Khánh Hòa. Nhìn cách Chí thi đấu, cách tiền vệ này truyền lửa cho toàn đội, có thể hình dung được nhiệt huyết mà cầu thủ người Diên Khánh say mê với sự nghiệp đến nhường nào.
Ít ai biết, phải đến năm 18 tuổi, Chí mới bắt đầu làm quen với môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Trước đó, Chí đã phải lao động vất vả, làm thuê làm mướn đủ thứ nghề để phụ giúp gia đình. Mọi người ai cũng khen Chí… bốc gạch rất khỏe. Tất nhiên, là một cầu thủ tay ngang, Quốc Chí đã phải nỗ lực hơn người mới có được chỗ đứng mà kể từ khi hạng nhất đến nay, anh luôn là lựa chọn số 1 của Sanna Khánh Hòa bên hành lang cánh trái.
Lâm Ti Phông và mơ ước của người cha
Anh chàng có cái tên là lạ này là do hồi đó bố của Phông, ông Lâm Quang Dũng mê cầu thủ Natipong của đội tuyển Thái Lan. Bởi thế ngay khi có con, ông liền lấy chữ tipong ghép với họ Lâm của mình thành cái tên Lâm Ti Phông. Không chỉ là cái tên, người cha ở miền quê nghèo Sơn Tịnh, Quảng Ngãi ấy còn mong muốn đứa con trai của mình sau này cũng đá bóng giỏi.
Và quả là Lâm Ti Phông giỏi thật. Năm 15 tuổi, Lâm Ti Phông gia nhập tuyến trẻ của bóng đá Khánh Hòa sau ít năm tập luyện tại đội nhí Quảng Ngãi. Chỉ 2 năm sau, anh được đôn lên lứa U.19 Khánh Hòa và tỏa sáng rực rỡ để góp công lớn giúp U.19 Khánh Hòa vô địch quốc gia 2013, bản thân Lâm Ti Phông là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Bởi thế, ngay cả khi được gọi lên tuyển U.19 Việt Nam năm đó, gắn với dàn sao được đào tạo bài bản của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - JMG, cái tên Lâm Ti Phông vẫn trở nên nổi bật. Với kỹ thuật cá nhân xuất sắc, khả năng làm chủ không gian tốt, cầu thủ sinh năm 1996 này nhanh chóng trở thành nòng cốt của đội tuyển Sanna Khánh Hòa trong hành trình chinh phục giải hạng nhất quốc gia 2014 và V-League kể từ năm 2015 đến nay.
Từ Khương “nhớt” đến Khương “bổng”
Khương “nhớt” là biệt danh mà đồng đội ở Sanna Khánh Hòa đặt cho tiền vệ phòng ngự Đình Khương. Vóc dáng thư sinh, cùng với việc sở hữu nhiều status trên facebook đầy tâm trạng và đậm chất văn chương, có lẽ cái tên Khương “nhớt” xuất phát từ đó. Tháng 3-2017, Đình Khương được gọi vào đội tuyển Việt Nam. Những tháng ngày ăn cơm tuyển, Đình Khương lại gắn chặt với biệt danh Khương “bổng”. Hỏi ra mới biết, trong lúc rảnh rỗi, các cầu thủ thường hay chơi trò Pro Evolution Soccer trên PlayStation (một trò chơi bóng đá được nhiều người yêu thích). Đình Khương chơi trò này toàn chuyền bóng bổng thay vì chủ yếu chuyền sệt như mọi người. Giữa lúc các tập phim “Người phán xử” đang phát trên ti vi, nhân vật Lương “bổng” do Nghệ sĩ Ưu tú Trung Anh thủ vai đang ở hồi gay cấn, các đồng đội liền gán luôn cho anh cái tên Khương “bổng”.
Trên sân cỏ, Đình Khương là một tiền vệ phòng ngự mạnh mẽ, quyết liệt. Trong vai trò của một chốt chặn thu hồi bóng và phát động tấn công, Huấn luyện viên Võ Đình Tân của Sanna Khánh Hòa đã mạnh dạn trao trọng trách ấy cho cầu thủ trẻ Đình Khương trong 2 mùa bóng qua và cầu thủ sinh năm 1996 này đã không phụ lòng thầy. Khương nhanh chóng trở thành một thủ lĩnh ở khu vực trung tâm vốn dĩ thường dành cho nhiều cái tên dạn dày hơn.
Ngoài những nhân vật trên, ở Sanna Khánh Hòa còn có nhiều biệt danh khác như Tỉnh Wilshere để gán Trùm Tỉnh với tiền vệ đang thi đấu cho Arsenal có lẽ vì hình dáng và phong cách chơi bóng mềm dẻo, đĩnh đạc, có phần tương đồng giữa 2 cầu thủ này. Với tiền đạo Đình Kha, cái tên “Kha đầu to” như gắn chặt với người từ hồi còn… hôi sữa do cái đầu to lớn của mình. Và còn rất nhiều cái tên khác mà trong khuôn khổ bài viết này khó có thể kể hết. Điều quan trọng là sau mỗi biệt danh thường gắn với kỷ niệm nào đó của mình, những cái tên khi được xướng lên còn thể hiện hành trình gian khó và ý chí, nghị lực mà các cầu thủ ở Khánh Hòa đã kinh qua.
Công Định