11:02, 15/02/2018

Bưởi ngọt lành trên đất Khánh Vĩnh

Trăn trở mãi, cuối cùng người dân huyện miền núi Khánh Vĩnh cũng tìm được cho mình loại cây trồng thích hợp. Trên mảnh đất bán sơn địa ấy, các loại cây ăn quả, đặc biệt là bưởi da xanh đang có những tín hiệu hết sức lạc quan.

Trăn trở mãi, cuối cùng người dân huyện miền núi Khánh Vĩnh cũng tìm được cho mình loại cây trồng thích hợp. Trên mảnh đất bán sơn địa ấy, các loại cây ăn quả, đặc biệt là bưởi da xanh đang có những tín hiệu hết sức lạc quan.


Cây bưởi “bén duyên”


Nằm bên bờ sông Khánh Lê, vườn bưởi rộng 2ha của ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam đang vào vụ xum xuê trái. Những cây bưởi trên 10 năm tuổi nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng nên xanh tốt, mỡ màng. Ông Thanh kể: “Cách đây hơn 10 năm, huyện có chính sách trợ giá giống cây bưởi. Tôi mua 80 cây để trồng. Ban đầu chỉ định trồng thay rẫy tạp xem sao, nhưng bây giờ, 80 cây bưởi đang là thu nhập chính của gia đình”. Theo ông Thanh, bưởi sau độ 4 năm trồng bắt đầu cho thu hoạch, đều đặn quanh năm. Rộ nhất là vào tháng 8 và tháng 2 hàng năm. Mỗi năm, ông đầu tư khoảng 50 triệu đồng phân bón, chăm sóc, nhưng tiền bán bưởi thu về 250 - 300 triệu đồng. Bình quân, 1 cây bưởi khi đã thu hoạch cho người trồng thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/năm. Với kết quả trên, từ năm 2014 đến nay, ông Thanh đã dần chuyển đổi toàn bộ diện tích 2ha sang trồng bưởi và một số cây ăn quả khác, nâng tổng số cây bưởi hiện có lên hơn 300 gốc. “Chỉ cần chăm sóc đúng quy trình, cây bưởi sẽ không phụ công người trồng và tất nhiên thu nhập hơn hẳn so với một số cây trồng trước đó như: mì, bắp…”, ông Thanh khẳng định.

 

Chị Hệ thu hoạch bưởi.

Chị Hệ thu hoạch bưởi.


Ở xã Khánh Trung, một trong những xã có diện tích bưởi lớn nhất huyện Khánh Vĩnh, ngôi nhà của vợ chồng ông Hoàng Văn Tòng ở thôn Bắc Sông Giang nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn mía, bắp. Năm 2008, đôi vợ chồng người dân tộc Tày chuyển từ Lạng Sơn vào đây ở. Ban đầu họ trồng mì, đào ao thả cá, nhưng rồi thấy cây mì không mang về thu nhập như mong đợi, họ chuyển sang trồng mía trên diện tích 2ha. “Cây mía có thể giúp chúng tôi đỡ đói cái ăn, thiếu cái mặc, nhưng làm giàu thì khó”, ông Tòng chia sẻ. Năm 2009, một dự án hỗ trợ cây trồng được triển khai, ông bà xin về 12 cây bưởi da xanh trồng quanh nhà. “Mình chỉ trồng để lấy bóng mát, lại có quả ăn. Nhưng sau 4 năm, khi cây cho trái đều đặn, ăn không hết, mình mang đi bán. Không ngờ bưởi bán được giá, cao hơn nhiều so với củ mì, cây mía. Vì thế, tiền bán bưởi được bao nhiêu, mình tiếp tục mua giống, phân bón chuyển dần sang trồng bưởi”, ông Tòng cho biết. Giờ đây, nhìn gần 700 gốc bưởi da xanh đã 2 năm tuổi được trồng ngay hàng thẳng lối trên diện tích 2ha xanh ngắt một màu, ông bà chỉ cầu cho mưa thuận gió hòa để vài năm nữa, hàng trăm gốc bưởi này sẽ là cứu cánh cho gia đình trong bài toán thu nhập.


Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh, tính đến hết năm 2017, toàn huyện có gần 500ha bưởi da xanh. Đây là cây trồng mới phát triển mạnh trong khoảng 5 năm gần đây. Với hiệu quả kinh tế đã được khẳng định nhiều năm qua, tỉnh, huyện cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư vào các khâu thủy lợi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm kiếm phát triển thị trường, đổi mới tổ chức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực và chính sách đầu tư… nhằm mục tiêu đưa Khánh Vĩnh trở thành một địa phương chuyên canh cây ăn quả nói chung và cây bưởi da xanh nói riêng. “Sau một thời gian phát triển theo hình thức phân tán, những năm gần đây, Khánh Vĩnh tiếp tục định hướng vùng trồng bưởi theo mô hình tập trung. Hiện nay, đã có hơn 30ha bưởi được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP. Trái bưởi không chỉ ngon, đẹp, mà còn phải đáp ứng được tiêu chí an toàn, sản xuất quy mô hàng hóa mới có thể đứng vững trên thị trường. Huyện cũng đang phối hợp với cơ quan chức năng và các hộ trồng bưởi thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”, trước mắt trên diện tích 170ha của 35 hộ trồng bưởi ở địa phương”, ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết.


Thay đổi cách làm


Chúng tôi đến vùng đất đầu nguồn con sông Khế hiền hòa, nơi thôn Gia Rú và thôn Giòng Cạo của xã Khánh Thành đang từng ngày thay da đổi thịt. Trên con đường bê tông khá rộng rãi uốn lượn theo dòng sông Khế, qua những rừng keo bạt ngàn, hàng chục hộ nơi đây đã bắt đầu làm quen với cây trồng mới là bưởi da xanh. Đến thăm gia đình anh Cao Nhường, một hộ đồng bào dân tộc Raglai ở thôn Giòng Cạo, nhìn hàng trăm gốc bưởi đang bước sang năm thứ 3 tươi tốt, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước cơ ngơi mà vợ chồng anh gây dựng nơi đây. Vợ anh Nhường, chị Cao Thị Hệ cho biết: “Trước đây, gia đình có trồng thử nghiệm một ít cây bưởi. Trái nhiều lắm. Đến đầu năm 2016, Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón cho gia đình mở rộng diện tích, số cây bưởi trong vườn tăng lên hàng trăm cây. Thấy hiệu quả, vợ chồng tôi quyết định đưa bưởi lên rẫy. Tại đây tôi đã trồng được 200 gốc sầu riêng, 200 gốc cam xoàn, 100 gốc bưởi da xanh và 1,5ha chuối xen vào diện tích cây ăn trái”.


Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, tháng 1-2016, từ nguồn kinh phí dự án Y tế Hà Lan, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND xã Khánh Thành tổ chức triển khai hỗ trợ trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP cho 14 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với quy mô 7ha tại thôn Gia Rú và Giòng Cạo. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật... Hàng năm, UBND xã Khánh Thành đều tranh thủ các đơn vị đỡ đầu để xin hỗ trợ vật tư nông nghiệp, máy bơm nước giúp người dân chăm sóc cây tốt hơn. Nhờ đó, cây bưởi nơi đây phát triển tốt, hiện đang ở giai đoạn vươn cành, tạo tán sau hơn 2 năm trồng.


Trở lại với gia đình anh Tòng, người đồng bào Tày lập nghiệp trên mảnh đất Khánh Trung, những năm đầu trồng bưởi, không phải cứ cắm cây xuống rồi đợi cho quả. Anh Tòng chia sẻ: “Ban đầu chưa nắm vững kỹ thuật, một số cây bưởi không được khỏe, lúc thì vàng lá, lúc lại bị sâu bọ, có khi trái bưởi thâm đen mà không biết xử lý ra sao. Vì thế, có bao nhiêu lớp tập huấn của xã, huyện tôi đều đến dự. Đồng thời, còn tìm một số hộ đã nhiều năm trồng bưởi hỏi han, học tập kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi còn đọc sách báo, nhờ con tìm hiểu thêm nên bây giờ đã có thể biết chút ít về kinh nghiệm trồng, chăm sóc bưởi cũng như xử lý một số bệnh hại thường gặp”.


Qua câu chuyện với những người trồng bưởi ở Khánh Vĩnh, có thể nhận thấy cây bưởi đang mang về thu nhập tốt hơn cho người nông dân, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi sự đầu tư công phu hơn, yêu cầu trình độ canh tác cao hơn so với một số cây trồng khác. Những cây bưởi xanh ngắt trĩu quả trên mảnh đất bán sơn địa vốn còn nhiều khó khăn này không đơn thuần chỉ giải quyết bài toán thu nhập, quan trọng hơn nó đã thay đổi quan điểm, tư duy, đồng thời nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp của người nông dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.


Công Định