11:01, 29/01/2017

Tết dọc đường

Ngoại có 5 người con. Ngoại mất sớm, các con tự bươn chải rồi mỗi người một nơi, từ Hải Phòng, Nha Trang, Bình Thuận, Sài Gòn. Thế nên, Tết cũng là Tết riêng của mỗi nhà, chỉ câu chúc qua điện thoại trong đêm giao thừa nối tình thân lại với nhau. Anh là con út, sống ở Sài Gòn. Sau bao năm làm lụng chắt bóp, anh cũng mua được ngôi nhà mặt tiền ở một con đường nhỏ trong nội thành.

Ngoại có 5 người con. Ngoại mất sớm, các con tự bươn chải rồi mỗi người một nơi, từ Hải Phòng, Nha Trang, Bình Thuận, Sài Gòn. Thế nên, Tết cũng là Tết riêng của mỗi nhà, chỉ câu chúc qua điện thoại trong đêm giao thừa nối tình thân lại với nhau. Anh là con út, sống ở Sài Gòn. Sau bao năm làm lụng chắt bóp, anh cũng mua được ngôi nhà mặt tiền ở một con đường nhỏ trong nội thành. Ngôi nhà nhỏ ở thành phố lại chia 2 nửa, một nửa cho thuê để kiếm tiền nuôi 2 đứa con học đại học, nửa còn lại là cuộc sống của gia đình 4 người. Sớm đi, tối về, ngẫm thấy có lúc nhà mình trông giống nhà trọ, chỉ là chốn ngả lưng những buổi tối. Nhà bé xíu, người thân đến loay hoay không biết ngồi chỗ nào nữa là bạn bè, khách khứa. Thế nên, mỗi bận đến Tết, lại ngại. Nhưng hóa ra, cái chật chội ấy cũng mang lại dư vị Tết khác với mọi năm.


Và anh gọi là Tết dọc đường.


Đó dĩ nhiên không phải là cái cảnh người người xúm xít, chen nhau ở các bến xe, nhà ga những ngày cuối tháng Chạp để về quê ăn Tết sau một hay nhiều năm chật vật với cuộc sống ở các đô thị. Đó là cái Tết cả gia đình chu du trên chiếc xe con anh mượn bạn từ vùng đất mình lập nghiệp, đi qua những vùng quê quen mà lạ, với những không khí Tết cũng thật quen mà lạ, rồi dừng chân  trong những ngôi nhà nhỏ thân yêu mà ấm cúng bên những người thân, bè bạn trên cung đường mình đi qua. Tết bên nội! Tết bên ngoại. Tết cùng những người bạn phương xa. Bỏ lại sau lưng mình hình ảnh một thành phố rực rỡ sắc màu của hoa cỏ ngày xuân và lộng lẫy bởi ánh sáng trang hoàng trên khắp các nẻo đường.


Cái Tết ấy bắt đầu từ sáng mùng Một, cả nhà leo lên trên chiếc xe 7 chỗ mà anh gọi nôm na là về quê ăn Tết, sau không khí ấm cúng chiều ba mươi Tết bên mâm cơm tất niên và cùng nhau đón giao thừa.


Tết bên nội. Nha Trang đón cả nhà trong tiết trời xanh trong và nắng ấm. Xe dừng trước cổng, bấm chuông là đã bắt gặp những ánh mắt ngỡ ngàng đến rơm rớm nước vì mừng rỡ của người thân sau mấy câu trách yêu sao không báo trước để nhà chuẩn bị Tết. Cười mà rằng, Tết bây giờ người ta có xu hướng đơn giản hóa đi rất nhiều. Bởi chiếc xe mang theo cả Tết đến vùng biển đầy nắng gió. Là con gà luộc sẵn từ hôm ba mươi. Là cặp bánh chưng bánh tét. Là hũ kiệu mặn, hay ký heo rừng ăn lấy hên ngày đầu năm. Người chị cả móm mém nhìn đứa em trai đầu cũng lấm tấm sợi bạc nấu những món ăn cho mình mà rơi nước mắt. Bao nhiêu nỗi lo toan cuộc đời bấy lâu bỗng chợt tan. Người già ăn được bao nhiêu, nhưng món ăn ấy gói ghém tình em, tình cháu. Lại kể cho nhau nghe những cái Tết xưa của mình. Tết ngày ấy dẫu túng thiếu đủ bề nhưng đủ đầy anh chị em. Giờ thì người Bắc, kẻ Nam. Nhưng mà vậy mới có những niềm vui hội ngộ bất chợt như Tết này. Nghe sao giống như mình tự an tủi mình. Để rồi sáng hôm sau tiễn nhau ra xe, ôm em ôm cháu, chị mắt đỏ hoe mà miệng vẫn cười, thấy mới qua mùng 2 mà mình đã có một cái Tết trọn vẹn và đủ đầy. Còn anh lại thấy sự trở về, sự có mặt của mình chính là món quà Tết ý nghĩa cho gia đình.


Tết bên ngoại là cái Tết rộn ràng mà đầm ấm của cả một đại gia đình tề tựu cháu con, dù tiết trời Quảng Ngãi năm nay có lạnh hơn. Có lẽ đại gia đình ấy chỉ biết thầm cảm ơn người mợ cả giỏi giang đã trở thành cầu nối, là sợi dây thắt chặt tất cả các gia đình với nhau. 5 gia đình, từ con cháu dâu rể, năm nào cũng vậy, dù ở tận đẩu đâu cũng tụ họp về ngôi nhà từ đường rộng rãi ở quê, cùng nhau đón Tết. Để chuẩn bị cho đại Tết ấy với hơn ba chục người, mợ phải chuẩn bị trước đó cả tháng. Cực thì có cực nhưng thật vui. Mỗi người một tay xúm xít. Có những câu chuyện chẳng bao giờ kể hết. Có những tình thân mãi mãi sẻ chia. Có lẽ chỉ có cố ngoại là vui nhất. Ở tuổi 95, dù mỗi lần đi phải có người dìu, nhưng niềm vui vẫn ánh lên trong đôi mắt đã hơi mờ, trong nụ cười móm mém khi con cháu sum vầy, khi gia đình mình vẫn còn giữ được truyền thống Tết xưa. Để sớm mai lại lên đường, chở theo những ánh mắt mỏi mong sẽ có được niềm vui bất ngờ từ người phương xa như Tết này, chở theo không khí Tết ở quê, cùng với những đòn bánh chưng, bánh tét gói ghém bao nỗi yêu thương từ quê ngoại.


Tết ở Phú Yên là Tết của người bạn thân thời còn học đại học. Có gì đâu, chỉ là cái bắt tay tay nắm mặt mừng. Hũ rượu rắn và sâm được mang ra đãi bạn với nồi lẩu cá lóc ruộng với các loại rau trồng ở vườn nhà. Chân quê vậy thôi. Thế mà tấm tắc khen ngon. Vì cá đồng, rau sạch. Vì người bạn bao nhiêu năm vẫn biết tính mình, vẫn nhớ thói quen của mình. Câu chuyện tình nghĩa cứ thế tỉ tê qua làn khói của nồi lẩu, qua chén rượu cay mà ấm lòng với lời hẹn cho lần gặp mặt ở những cái Tết sau…


Bấy nhiêu chẳng biết có đủ cho một cái Tết trọn vẹn, với nhiều người? Lắm lúc nghĩ, ừ thì 2 quãng đường đi về ấy lên đến hơn ngàn cây số, có khi dài bằng từ Nam chí Bắc. Ừ thì cái Tết kiểu ấy có khi thời gian ngồi trên xe còn dài hơn ở nhà, nhưng nửa ngày hay một ngày trong những mái ấm nhỏ nhoi cũng thật ý nghĩa khi lắng đọng và đong đầy yêu thương. Rằng, sự có mặt của mình, sự trở về của mình, dù ít ỏi, dù ngắn ngủi cũng là rất nhiều với bè bạn xưa, cũng là món quà vô giá đối với người thân...


Đăng Quỳnh