06:01, 30/01/2017

Níu nhịp thời gian

Ở quán cà phê An (đường Lê Đại Hành, TP. Nha Trang) có 9 chiếc đồng hồ bằng gỗ được trưng bày trang trọng. Mỗi chiếc là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ, ẩn chứa đầy tình cảm. ....

Ở quán cà phê An (đường Lê Đại Hành, TP. Nha Trang) có 9 chiếc đồng hồ bằng gỗ được trưng bày trang trọng. Mỗi chiếc là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ, ẩn chứa đầy tình cảm. Chủ nhân của những chiếc đồng hồ độc đáo ấy là 2 cha con ông Cao Xuân Tâm (trú tại đường Hát Giang, TP. Nha Trang).


Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của ông Cao Xuân Tâm vào một ngày cuối năm. Trong tiết trời se lạnh, ngồi nghe những tiếng tịch tịch... tịch tịch trầm đục phát ra từ những chiếc đồng hồ được làm bằng gỗ nghe thật lạ lẫm và thú vị.

 


Pha ấm trà mời khách, ông Tâm thủng thẳng: “Đồng hồ bằng kim loại thì mua đâu chẳng được. Nhưng đồng hồ với tất cả các chi tiết đều làm bằng gỗ là hàng hiếm. Cả nước mình chưa ai làm được chuyện này. Trên thế giới cũng rất ít người thành công khi chế tác những tác phẩm như thế”. Chỉ tay vào một chiếc đồng hồ cơ bằng gỗ đơn giản đặt giữa nhà, ông Tâm bảo đây là chiếc đồng hồ gỗ đầu tiên cha con ông mày mò làm ra. Nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng phải ròng rã 3 tháng trời, ông mới làm cho nó chạy được. Chỉ với hệ bánh răng đơn giản nhất nhưng ông đã phải vứt bỏ cả trăm chi tiết. Có những chiếc bánh răng ông phải cưa đi cưa lại mấy chục lần mới có được một chi tiết hoàn chỉnh. Đồng hồ bằng kim loại độ giãn nở, ma sát rất ít, nhưng chất liệu gỗ thì hoàn toàn khác. Làm cho nó chạy được đã là quá khó, nhưng để chạy chính xác thì phải nhờ vào sự cân chỉnh của người chế tạo ra nó. Mỗi bộ phận, mỗi chi tiết phải hoàn hảo gần như tuyệt đối thì mới chạy đúng giờ. “Nhìn dáng vẻ thô sơ như vậy nhưng có trả bao nhiêu tiền tôi cũng không bán. Đến nay, đã gần 6 năm, nhưng chiếc đồng hồ bằng gỗ này vẫn chạy chính xác đến từng giây”, ông Tâm nói.

 

Ông Tâm tỉ mẩn hoàn thành sản phẩm
Ông Tâm tỉ mẩn hoàn thành sản phẩm


Từ chiếc đồng hồ đầu tiên đó, đến nay, cha con ông Tâm đã cho ra đời 19 chiếc đồng hồ bằng gỗ. Trong đó, chiếc làm nhanh nhất phải mất 3 tháng, chiếc công phu phải mất nửa năm. Đây có thể xem là một sở hữu đồ sộ về đồng hồ bằng gỗ ở Việt Nam. Trên thế giới hiện cũng mới có vài người làm ra những sản phẩm tương tự nhưng số lượng cũng chỉ khoảng mười mấy chiếc. Và để có những tác phẩm đồng hồ gỗ với đầy rẫy những thông số kỹ thuật thì anh Cao Xuân Trí (con trai ông Tâm, sinh năm 1982) chính là người thiết kế ban đầu. Anh Trí nhớ lại: “Cha tôi vốn là nhà giáo nhưng ông lại có biệt tài sửa đồng hồ. Chính nghề tay trái này đã nuôi anh em tôi ăn học thành tài. Năm 2011, thấy cha đã già, tôi nghĩ phải cùng cha làm một cái gì đó để giữ lại kỷ niệm một thời mà cha đã trải qua. Ngay lập tức ý tưởng chế tạo ra những chiếc đồng hồ bằng gỗ đã lóe lên trong đầu. Tôi vốn là kiến trúc sư nên vấn đề bản vẽ không khó đối với tôi, nhưng để có được những tác phẩm thuộc dạng hiếm ở Việt Nam là sự hòa quyện giữa nghệ thuật và cơ học, mà cha tôi thì có đầy kiến thức, sự am hiểu về nguyên lý hoạt động đồng hồ cơ”.

 

Anh Trí bên chiếc đồng hồ cào cào được nhiều người ưa thích
Anh Trí bên chiếc đồng hồ cào cào được nhiều người ưa thích


Trong bộ đồng hồ bằng gỗ, chiếc đồng hồ được làm theo nguyên lý hoạt động của đồng hồ ODO (xuất xứ từ Pháp) là chiếc đồng hồ khiến cha con ông Tâm tốn nhiều công sức nhất. Tuy hoàn toàn bằng gỗ nhưng chiếc đồng hồ này có thể tự động lên dây thiều (hay còn gọi là dây cót), sau 15 phút lại đổ những bản nhạc tương ứng. Lịch ngày, tháng cũng được thể hiện một cách chính xác. Hay 9 chiếc đồng hồ bằng gỗ đang được trưng bày ở quán cà phê An, không chiếc nào trùng lắp kiểu dáng. Đứng hồi lâu bên chiếc đồng hồ cào cào để bàn có kích thước mỗi chiều gần 1m, anh Trí khoe: “Đã có nhiều người hỏi mua chiếc đồng hồ này với giá mấy ngàn USD nhưng tôi không bán. Đây là chiếc đồng hồ hoàn hảo về mặt mỹ thuật và cực kỳ chính xác về cơ học. Mỗi lần con cào cào mổ xuống, nó kéo theo một bánh răng chuyển động. Mỗi giờ, mỗi phút trôi qua được biểu thị theo những viên bi lăn tuần hoàn theo hiệu ứng đôminô. Vẫn là nguyên lý 1 vòng xoay của bánh răng giờ thì bằng 60 vòng của bánh răng phút như những chiếc đồng hồ cơ thông thường, song kết cấu bánh răng cũng như các chi tiết ở đồng hồ gỗ khác hoàn toàn đồng hồ cơ kim loại. Cách vận hành của đồng hồ gỗ cũng không hề giống với đồng hồ thường thấy”.

 

Mỗi chiếc đồng hồ đều được thiết kế tinh xảo
Mỗi chiếc đồng hồ đều được thiết kế tinh xảo


Được biết, mỗi chiếc đồng hồ, cha con anh Trí đều lựa chọn những loại gỗ khác nhau. Vì tránh cong vênh và hạn chế giãn nở theo thời tiết, toàn bộ hệ thống bánh răng và trục xoay đều được làm bằng gỗ bạch dương nhập từ nước ngoài. Còn các bộ phận khung, sườn và các chi tiết mang tính thẩm mỹ đều được làm từ các loại gỗ quý như: huỳnh đàn, trắc dây, sơn huyết...  


Ngắm nhìn và lắng nghe âm thanh phát ra từ những chiếc đồng hồ gỗ của 2 cha con ông Tâm, dường như tôi cũng cảm nhận được đằng sau mỗi chiếc đồng hồ đều ẩn chứa những điều thú vị. Mỗi chiếc đồng hồ không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, sự khéo léo và óc sáng tạo mà còn ẩn chứa tình cảm và những triết lý nhân sinh sâu sắc. Ông Tâm chia sẻ: “Thông qua những chiếc đồng hồ bằng gỗ, tôi muốn các con trở thành một con người chỉn chu, tinh tế và tỉ mỉ y như sự tinh xảo của bộ máy đếm thời gian”.


Đình Lâm

 


 

"Với cha con tôi, toàn bộ những tác phẩm đồng hồ gỗ làm ra là một triết lý cuộc sống. Hàng ngày, ngắm nhìn chúng, nghe những âm thanh mà chúng phát ra như để thầm chắc rằng, đồng hồ thời gian sinh học trong con người mình cũng đang chạy. Đồng hồ cơ học ngừng chạy có thể lên dây cót, nhưng đồng hồ sinh học đã dừng thì coi như kết thúc cuộc đời. Tiền bạc có thể làm ra, nhưng thời gian đã qua đi không bao giờ trở lại. Chơi đồng hồ để biết trân quý thời gian, để thấy được mỗi phút, giây chúng ta sống phải làm gì cho cuộc đời có ý nghĩa".