Nhiều người gọi ông là đại sứ đầu tư, vì ông là người thực sự có uy tín trong giới đầu tư quốc tế lẫn thị trường Việt Nam, kết nối nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam làm điểm đến. Tôi thì thích gọi ông là "đại sứ trái tim", vì nhờ ông, rất nhiều trẻ em đã có một trái tim bình yên…
Nhiều người gọi ông là đại sứ đầu tư, vì ông là người thực sự có uy tín trong giới đầu tư quốc tế lẫn thị trường Việt Nam, kết nối nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam làm điểm đến. Tôi thì thích gọi ông là “đại sứ trái tim”, vì nhờ ông, rất nhiều trẻ em đã có một trái tim bình yên… Ông là Don Lam - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Quản lý tài sản, quản lý đầu tư VinaCapital, một người Khánh Hòa thành đạt và tâm huyết với nhiều dự án ở quê hương.
Buổi hội ngộ giữa ông Don Lam và những trẻ mổ tim ở Khánh Hòa vào cuối năm 2014. |
Hành trình lặng lẽ
Trong giới đầu tư, Don Lam là một nhân vật khá đình đám khi đưa VinaCapital trở thành một trong những công ty quản lý tài sản, quản lý đầu tư hàng đầu Việt Nam. Về chuyện kinh doanh của ông, có rất nhiều điều để nói. Những đồng nghiệp thường gọi Don Lam là “ông đầu bạc”, vì tóc ông bạc khá sớm. Một cộng sự của ông từng làm ở VinaCapital thường nói đùa, “ông đầu bạc”… bạc đầu vì luôn phải suy nghĩ xem đầu tư vào cái gì là tốt nhất. Nhưng đó là một góc nhìn khác.
Ít ai biết, trăn trở lớn nhất của Don Lam là làm sao không còn phải nghe, không còn phải thấy cảnh trẻ em chết vì bệnh tim. Câu chuyện về những đứa bé sống phập phù giữa ranh giới sinh - tử vì bệnh tim bẩm sinh luôn ám ảnh ông. Năm 2006, Don Lam quyết định thành lập Quỹ Tài trợ VinaCapital (VCF), xây dựng và thực hiện chương trình Nhịp tim Việt Nam. Ông tuyên bố dành một phần lợi nhuận từ VinaCapital để tài trợ cho quỹ, đồng thời cam kết với mỗi khoản tài chính mà quỹ huy động được, VinaCapital sẽ “đối ứng” thêm một khoản tương tự để quỹ có thể đẩy nhanh các chương trình hoạt động. Ý tưởng này đã được nhiều đối tác và đồng nghiệp của ông ủng hộ. 140 tỷ đồng là số tiền mà VCF huy động được để làm công tác thiện nguyện, trong đó phần đóng góp của VinaCapital là 100 tỷ đồng. Từ số tiền này, tính đến nay đã có 3.400 trẻ của 50 tỉnh, thành được mổ tim miễn phí, riêng tại Khánh Hòa có gần 500 em.
Lẽ dĩ nhiên, là người Khánh Hòa nên Don Lam luôn ưu ái dành sự quan tâm cho quê hương. Mỗi lần về Nha Trang, ông lại hỏi thăm những đứa trẻ đã từng được mổ tim trước đó và trao đổi với các cộng sự về những trường hợp sẽ được hỗ trợ phẫu thuật sắp tới. Một chiều cuối năm 2014, bên bãi biển khu resort cao cấp Mia (Cam Lâm) lộng gió, Don Lam có dịp hội ngộ với những “đứa con có trái tim bình yên” - cách nói của ông. Ông nhớ tên từng em, nhớ cả gia cảnh mỗi nhà, trong khi bản thân những đứa trẻ và cha mẹ chúng còn chưa biết, chưa từng gặp ân nhân của mình. Ông luôn miệng xuýt xoa khen ngợi khi các cô bé, cậu bé khoe kết quả học tập của mình. “Vậy là tốt rồi, mình giúp các con khỏe mạnh, các con sau này sẽ lại giúp người khác. Sống là phải biết sẻ chia, với tôi như thế là hạnh phúc” - Don Lam tâm sự.
Kinh doanh không phải là mối quan tâm duy nhất
“Lẽ ra, tôi đã là bác sĩ như mong muốn của cha mẹ tôi nhưng rồi tôi lại đi theo ngành kinh tế. Nhưng kinh doanh không phải chỉ để kinh doanh, kinh doanh sẽ có ý nghĩa hơn nhiều nếu hoạt động đó mang lại những lợi ích thực tế cho cộng đồng” - Don Lam nói. Thực tế, tuy gặp nhiều sóng gió nơi thương trường, tình hình kinh doanh dù không thuận lợi trong những năm qua nhưng ông và VCF vẫn giữ vững cam kết tài trợ đối với các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là dành cho chương trình Nhịp tim Việt Nam.
“Nhiều người hỏi bận rộn với công việc như vậy, tại sao tôi lại dành nhiều thời gian làm thiện nguyện. Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện này. Năm 3 tuổi, tôi bị sốt bại liệt. Nghe người ta chỉ dẫn ở Nha Trang có ông thầy chữa bệnh này rất hay, mẹ tất tả bồng tôi từ Ninh Hòa vào tìm gặp. Tưởng như không còn cơ hội nào, vậy mà tôi đã được thầy chữa lành đôi chân. Những biến cố thời cuộc xảy ra, gia đình tôi qua Canada định cư, khi ấy tôi mới 13 tuổi. Sau này, lần nào trở về Việt Nam tôi cũng đi tìm ân nhân của mình nhưng vẫn chưa gặp, không biết thầy còn sống hay đã mất. Từ đó, tôi luôn có suy nghĩ mình được người ta cứu giúp, tại sao khi có điều kiện lại không giúp người khác? Đó cũng là cách trả ơn cho ân nhân của mình, cho đời mà, phải không?” - Don Lam kể, giọng đậm chất Ninh Hòa.
Những câu chuyện chóng vánh sau mỗi lần gặp ông như thế, cộng thêm nhận xét từ các đồng nghiệp của ông giúp tôi hiểu thêm vì sao ông muốn gây quỹ để giúp trẻ bị bệnh tim được phẫu thuật miễn phí. Có một trái tim khỏe mạnh, các em sẽ có cơ hội được sống như bao người khác, và rồi từ những trái tim bình yên ấy, người sẽ lại giúp người - như câu chuyện của chính Don Lam. Hơn nữa, ông luôn quan niệm, một doanh nghiệp thành công cần thiết phải có sự sẻ chia với cộng đồng - đó chính là trách nhiệm.
Đời thường, vị tổng giám đốc này là ông bố giản dị, rất mực yêu thương nhưng cũng nghiêm khắc với con. Mỗi lần về Việt Nam, ông lại dẫn các con đến thăm những đứa trẻ được mổ tim. Đặc biệt, năm nào gia đình 3 thế hệ của ông cũng đều đón Tết ở quê hương. Nhìn những gì ông làm, dễ nhận thấy ông là một người nặng tình với quê hương, nặng tình với những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh tim. Don Lam thường hay nói với đồng nghiệp, thành quả mà ông có được trong suốt gần 20 năm qua ở Việt Nam chính là cùng với VCF giành lại sự sống cho hàng trăm đứa trẻ. Vị tổng giám đốc này còn quả quyết, VCF sẽ chỉ chuyển phần hỗ trợ sang lĩnh vực khác khi không còn trẻ em Việt Nam nào mất vì bệnh tim…
TUỆ VĂN