Trong những đợt Festival biển Nha Trang, tại XQ Nha Trang Sử quán luôn có một không khí lễ hội sôi nổi, rộn ràng và đầy trách nhiệm. Dẫu có khó khăn, XQ vẫn cố gắng tham gia Festival biển Nha Trang, thể hiện tấc lòng tri ân chân thành đối với xứ biển giàu tình cảm và lòng bao dung.
Trong những đợt Festival biển Nha Trang, tại XQ Nha Trang Sử quán luôn có một không khí lễ hội sôi nổi, rộn ràng và đầy trách nhiệm. Dẫu có khó khăn, XQ vẫn cố gắng tham gia Festival biển Nha Trang, thể hiện tấc lòng tri ân chân thành đối với xứ biển giàu tình cảm và lòng bao dung.
Nhiều người bảo: “Lão Quân XQ “chuyên trị” làm những việc... không giống ai. Ngay cả cái cách dùng từ ngữ của lão cũng vậy”. Quả thật, nhận xét ấy, xem ra, có phần… đúng. Bởi, với ông Võ Văn Quân, Tổng Giám đốc XQ Việt Nam, với XQ Việt Nam nói chung, XQ Nha Trang nói riêng, cái mới, cái lạ luôn là khu vườn cổ tích đầy bí ẩn, đầy sức quyến rũ. Đến với tất cả các cơ sở của XQ, trong nước cũng như nước ngoài, ai cũng cảm nhận được một không gian, một vóc dáng, một phong thái, một nét văn hóa rất riêng. Chỉ nhìn cách chào hỏi, cách mời trà ở XQ cũng đủ thấy. Vừa tôn kính, lại vừa thân thiết, rất mực chân thành.
Lễ hội tôn vinh người thợ thêu XQ. |
Tôi không gọi XQ là một doanh nghiệp, mà gọi đó là một đại gia đình nghệ thuật. Sự chia sẻ và gắn kết những nghệ nhân nơi này được vun đắp trên nền tảng nghệ thuật. Xuất phát từ ơn nghĩa đường kim mũi chỉ của bà, của mẹ, của chị, của em…, những tình cảm, những nghĩ suy về bổn phận đối với quê hương, xứ sở, về tình cảm, trách nhiệm đối với từng thân phận con người... luôn trĩu nặng trong từng tác phẩm thêu tay XQ. Mỗi tác phẩm là một khoảnh khắc thời gian, một góc nhìn bao dung, một câu chuyện sinh động về cuộc sống quanh ta... được thể hiện không chỉ bằng nghệ thuật mà bằng cả tấm lòng. Tôi chỉ xin nêu ví dụ hai tác phẩm, theo trình tự thời gian thực hiện.
Thứ nhất là bộ tranh thêu Tri kỷ hữu, tác phẩm được coi là một trong những điểm nhấn của chương trình Hạo khí Nha Trang tham gia Festival biển Nha Trang năm 2009. Đó là 12 bức tranh thêu hai mặt, khổ lớn. Nghệ nhân XQ đã khắc họa hết sức tài hoa những nét đẹp vĩnh hằng của những loài hoa quen thuộc ở Đà Lạt như thiên điểu, hồng, cẩm tú cầu, cúc trắng... Nhưng, vì sao lại là 12 bức? Một năm có 12 tháng. Mỗi tháng là một loài hoa. Những tri kỷ hữu của XQ có sinh nhật trong tháng nào sẽ có một loài hoa tương ứng vinh danh. Bộ Tri kỷ hữu không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà còn có ý nghĩa độc đáo trong cách thể hiện tình bằng hữu tri âm, tri kỷ của XQ, của ông Võ Văn Quân. Quả là... không giống ai, phải không?
Thứ hai là bức tranh thêu tay Ước nguyện ngàn năm Thăng Long, được coi là bức tranh thêu tay lớn nhất Việt Nam, với kích thước rộng 3m, dài 4m, nặng tới gần 168kg. Bức tranh được thực hiện bởi 9 nghệ nhân có đẳng cấp bàn tay vàng, trong đó có nghệ nhân Hoàng Lệ Xuân - người đồng sáng lập Công ty XQ cùng gần 3.000 nghệ sĩ, nghệ nhân XQ Việt Nam trong suốt... 1.000 ngày, tượng trưng cho 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hàng ngàn bông sen rực rỡ giữa hồ trong ánh ban mai trên nền xa xa có mái đình cong cong, gợi nét thanh tao, cao quý của văn hóa, của con người Việt Nam... Nhiều nhà sưu tập cổ vật xúc động nói rằng, không chỉ mang ý nghĩa to lớn chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bức tranh còn có tính nghệ thuật rất cao, thể hiện sự phát triển rất tốt của nghề thêu tay Việt Nam. Nói thêm rằng, sau lễ xuất phát rất trân trọng ở Đà Lạt, Ước nguyện ngàn năm Thăng Long có cuộc hành hương về cội nguồn, đi qua 14 tỉnh thành để đến Điện Kính Thiên, Hà Nội. Sau nghi lễ dâng hương, dâng quả phúc tổ tiên ngàn năm, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội xúc động thay mặt nhân dân thủ đô đón nhận Ước nguyện ngàn năm Thăng Long, ghi nhận tấm lòng của đứa con xa hướng về tiên tổ.
Ông Võ Văn Quân cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, XQ vẫn cố gắng tham gia đều đặn các kỳ Festival biển Nha Trang, như là sự thể hiện tấc lòng tri ân chân thành đối với mảnh đất Nha Trang giàu tình cảm và lòng bao dung. Xin được nói thêm rằng, XQ là một doanh nghiệp tư nhân. Đã có lần tôi định hỏi ông Quân tham gia Festival biển như vậy thì tốn hết bao nhiêu tiền. Nghĩ rồi lại thôi. Sợ ông giận. Nhưng, tôi biết, ấy là con số không nhỏ. Mà trong điều kiện hiện nay, ai cũng biết, việc chăm lo đời sống cho hơn 3.000 con người đã là mướt mồ hôi hột.
Còn nhớ, tại Festiaval biển 2007, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về Tháng hành động vì trẻ em nghèo Việt Nam, XQ Việt Nam tổ chức lễ hội Ngày chia sẻ vì trẻ em nghèo các vùng ven biển Việt Nam trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật XQ - Hồn biển bằng hành động “Mỗi người đóng góp một sợi chỉ cho tác phẩm tranh thêu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Toàn bộ số tiền do các nhà hảo tâm đóng góp để hoàn thành bức tranh trên được XQ dành tặng Quỹ vì trẻ em nghèo vùng biển. Không chỉ vậy, XQ Nha Trang Sử quán phối hợp với Báo Khánh Hòa tổ chức tặng 10 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học tại TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh, mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng. Quà tặng không lớn, không nhiều, nhưng thể hiện được tình cảm, tấm lòng của những người tổ chức đối với mảnh đất mình đang sống.
Một góc lễ hội XQ Nha Trang. |
Ngồi cùng chúng tôi, ông Quân bộc bạch: Mỗi hoạt động của XQ mang thông điệp về sự tôn vinh giá trị văn hóa, cái đẹp và lòng tri ân. Tất cả nhằm khơi dậy niềm tự hào của mọi người về biển Nha Trang; khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa thiêng liêng của đất và người Nha Trang. “Tôi mong muốn XQ Nha Trang Sử quán luôn là một không gian văn hóa độc đáo của Nha Trang. Chính vì thế, các chương trình của chúng tôi đều được thực hiện với tất cả tâm huyết”, ông Quân chia sẻ.
Còn chị Đoàn Thị Phương Dung, người quản lý XQ Nha Trang bảo rằng, những người thợ thêu ở đây rất tự hào về nghề, về thành phố biển của mình và mong muốn được góp chút sức lực bé nhỏ của mình trong công cuộc xây dựng Nha Trang trở thành một thành phố của văn hóa và sự kiện.
Đến nay, XQ Việt Nam đã đạt được nhiều danh hiệu như Cúp The Guide Awards từ năm 2000 - 2006 của Thời báo Kinh tế Việt Nam; Cúp vàng Vì sự nghiệp Xanh năm 2003 nhân kỷ niệm 110 năm Đà Lạt; tranh XQ được bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao từ năm 2000 đến 2005; giải Ngôi sao vàng Việt Nam tại hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2002. Đặc biệt, cả hai nhân vật đồng sáng lập XQ đều có những giải thưởng nhiều ý nghĩa. Bà Hoàng Lệ Xuân đã được vinh danh là một trong mười nghệ nhân tài hoa nhất nước. Ông Võ Văn Quân được trao tặng giải thưởng The Guide Awards, giải thưởng dành cho những cá nhân có nhiều cống hiến cho ngành du lịch địa phương và đất nước. Điều đáng quý là XQ đã mang tâm huyết từ đường kim mũi chỉ của mình đến với những lễ hội như Lễ hội hoa Đà Lạt; Festival biển Nha Trang, Festival Huế; lễ hội văn hóa tôn vinh nghề thêu XQ - Sắc thu Thăng Long - Hà Nội... Những cố gắng ấy đã tạo được một ấn tượng đẹp về XQ.
Về phía mình, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của XQ trong bước phát triển của địa phương; đồng thời cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho XQ phát triển. Trong Festival Biển 2013 vừa qua, đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thanh Quang đến dự lễ tôn vinh và trao vương miện, động viên người thợ thêu XQ là một ví dụ sinh động về sự quan tâm ấy.
Đêm đã sâu. Ngoài kia, đường Trần Phú đã ngớt cộ xe. Khuôn viên 64 Trần Phú trầm tư nghe thầm thì sóng biển. Tôi ngồi cùng ông Quân, bà Xuân, ông Học, ông Niệm... - những người ngày đêm thao thức cùng những bước đi của XQ bên những cốc rượu trái nhàu, đặc sản của XQ. Có tiếng ghi ta ấm áp. Và một em gái tha thiết hát: Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương. Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương…
HÀ THANH