06:42, 11/02/2024

Nha Trang tròn một thế kỷ 

XUÂN THÀNH

Năm 2024, tròn 100 năm thành lập thị trấn Nha Trang (1924 - 2024). Một thế kỷ đã trôi qua, từ làng chài nghèo “du khách hiếm có chỗ trú ngụ”, Nha Trang đã vươn mình trở thành thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế. 

TP. Nha Trang bên bờ vịnh xanh. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

Theo nhiều nhà nghiên cứu, danh xưng Nha Trang là biến âm của từ Ea Trăng hoặc Ja Trăng, cách người Chăm gọi dòng sông Cái (nghĩa là con sông lau, sậy). Không biết danh xưng Nha Trang xuất hiện từ bao giờ, nhưng theo Địa chí Khánh Hòa, tên Nha Trang lần đầu được ghi lại trong sử sách là cuối thế kỷ XVII, trong tập Bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá soạn đã có ghi Nha Trang môn (cửa Nha Trang). Một tập bản đồ khác cũng được soạn ở cuối thế kỷ XVII là Giáp Ngọ niên bình Nam Đồ có ghi Nha Trang hải môn (cửa biển Nha Trang)... Từ tên sông, cửa biển, lâu ngày danh xưng Nha Trang được dùng chung cho vùng đất ở hạ nguồn sông Cái.

Từ một làng chài hoang sơ...

Lịch sử Khánh Hòa đến nay đã hơn 370 năm (tính từ năm 1653, khi chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần thu nhận vùng đất Kauthara của người Chăm lập nên dinh Thái Khang). Nhưng dưới thời nhà Nguyễn, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa lại là thành Diên Khánh, còn Nha Trang cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vẫn còn là một làng chài hoang sơ. Có thể thấy được phần nào diện mạo Nha Trang qua tấm ảnh của bác sĩ A.Yersin chụp năm 1894 với hình ảnh một bãi biển hoang vắng, nhà cửa thưa thớt, cùng vài chiếc thuyền neo bến. Tiếp đến là quang cảnh xóm Cồn năm 1902, với những mái nhà lúp xúp nằm 2 bên con đường, phía bên kia cửa biển Cù Huân là đồi La San. Trong cuốn sách Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước (bản dịch của cuốn “Mes Trois Ans d’Annam”, xuất bản năm 1910), bà Vassal (từng sống ở Nha Trang từ năm 1904 đến 1907) cho biết, đến đầu thế kỷ XX, dù là thủ phủ của người Âu ở Khánh Hòa, Nha Trang cũng chỉ là “một làng chài lưới với khoảng 3.000 người” và chừng 20 - 30 người da trắng đang làm việc cho chính quyền bảo hộ Pháp. Khi ấy “du khách khó kiếm được chỗ trú ngụ ở Nha Trang” cho dù đã có một nhà hàng của người Tàu có kèm thêm dịch vụ cho thuê phòng với một phòng ngủ duy nhất.

Mọi sự bắt đầu đổi thay khi ngày 11-6-1924, vua Khải Định ra đạo dụ lấy vùng đất hạ nguồn sông Cái, tiếp giáp với Biển Đông để thành lập thị trấn Nha Trang và được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y vào ngày 30-8-1924. Khi mới thành lập, thị trấn Nha Trang có 4 làng: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài. Người Pháp bắt đầu để lại dấu ấn với những công trình kiên cố, như: Bưu điện Nha Trang, Bệnh viện Nha Trang, Ga Nha Trang, khách sạn Beau Rivage… Phố xá cũng theo đó dần hình thành như nhà thơ Quách Tấn cho biết trong sách Xứ Trầm Hương: “Phố xá và gia cư người Việt, người Tàu chen chúc từ ga xe lửa đến chợ Đầm. Còn người Pháp ở dọc theo bờ biển, từ Tòa sứ (UBND tỉnh ngày nay) đến Đại Khách sạn (nay là Nhà khách T78 của Văn phòng Trung ương Đảng). Vùng Mả Vòng chưa có nhà cửa, vùng Phước Hải cũng hoang vắng, nhà cửa thưa thớt. Một phần lớn diện tích là rừng mai”.

Khách du lịch tàu biển đi tour xích lô dạo phố Nha Trang
Khách du lịch tàu biển đi tour xích lô dạo phố Nha Trang. 

Năm 1937, vua Bảo Đại ra đạo dụ chuyển Nha Trang từ thị trấn lên thị xã (được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y ngày 7-5-1937). Theo cố bác sĩ Kiều Xuân Cư, tiếng là thị xã nhưng trung tâm của Nha Trang ngày ấy chỉ xoay quanh mấy con đường như: Trần Quý Cáp, Thống Nhất, Hoàng Văn Thụ, Yersin… Phía đường Trần Phú, chỉ có người Pháp ở nhưng cũng thưa thớt. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thị xã Nha Trang được mở rộng hơn, nhưng trung tâm vẫn là khu vực quanh chợ Đầm. Khu Xóm Mới - Phước Hải sau lưng nhà thờ Núi vẫn là bãi hoang, lúp xúp nhà tạm bợ của dân nghèo; đường nối Diên Khánh với Nha Trang chỉ vừa cho một chiếc xe ngựa, 2 bên đường nhà cửa lác đác giữa ruộng lúa…

... đến thành phố du lịch biển hiện đại

Đất nước thống nhất, cuối tháng 3-1977, Nha Trang từ thị xã được nâng lên thành phố. Cùng với sự phát triển của đất nước, Nha Trang như được thay da đổi thịt. Việc mở thêm đường Nguyễn Tất Thành, đường Phạm Văn Đồng đã mở toang 2 cửa ngõ phía bắc, nam thành phố. 2 tuyến đường này hợp với đường Trần Phú tạo thành cung đường biển đẹp nhất Việt Nam chạy dài từ đèo Cù Hin đến Lương Sơn. Ở các vùng ven, các khu đô thị dần thay thế cho ruộng vườn. Ngày 22-4-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận TP. Nha Trang là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Năm tháng đi qua, thành phố bên bờ vịnh xanh đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành một đô thị du lịch hiện đại, được du khách trong nước và quốc tế yêu mến. Bây giờ, khách du lịch đi từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang cứ xuýt xoa bởi vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng giữa biển và núi khi xe chạy trên đèo Cù Hin, đến trung tâm thành phố lại lướt qua công viên bờ biển với hàng dừa reo vui trong gió, một bên là biển xanh cát trắng, một bên là những khách sạn cao cấp. Nhìn ra phía đảo là các khu du lịch nổi tiếng như: Vinpearl, Hòn Tằm… Sau những tour du lịch khám phá sự kỳ thú của đại dương, thử sức với các môn thể thao biển, khách có thể đến các trung tâm thương mại lớn như: Nha Trang Center, Vincom, Gold Coast Nha Trang... để mua sắm, giải trí. Cùng với sự phát triển kinh tế, trong hơn 20 năm qua, Nha Trang cũng làm dày thêm vốn liếng văn hóa của mình với Festival Biển được tổ chức 2 năm/lần và hàng loạt sự kiện văn hóa - giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, như: các cuộc thi hoa hậu Việt Nam và quốc tế, lễ trao giải Cánh diều vàng… Trong chừng mực nào đó, Nha Trang đang dần trở thành một thành phố của sự kiện.

Nha Trang đang phát triển từng ngày. Từ trên núi Cô Tiên nhìn về phố biển, biển Nha Trang xanh thẳm một màu, mênh mông đến ngút ngàn tầm mắt. Nha Trang xưa vốn đã đẹp, nay lại thêm phần rực rỡ khi được tô điểm bởi con người. Những người con xa quê hương lâu ngày trở về phải thừa nhận rằng, tuy có thay đổi nhưng Nha Trang vẫn giữ được hồn cốt của mình. Công viên bờ biển vẫn xanh mát. Người dân Nha Trang luôn thân thiện mến khách. Đời sống ở Nha Trang vẫn thanh bình, nhịp sống vẫn nhẹ nhàng đúng kiểu phố biển. Với sự mở rộng về phía tây, thành phố như đẹp hơn với những khu đô thị được quy hoạch bài bản. Hiện nay, tỉnh và TP. Nha Trang đang đẩy mạnh công tác quy hoạch để hướng đến sự phát triển bài bản và bền vững hơn. Theo đó, Nha Trang sẽ phát triển dựa trên chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh... để hướng đến một thành phố đáng sống. "Mục tiêu đặt ra là xây dựng Nha Trang thành đô thị xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, du lịch đẳng cấp gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, là một trung tâm nghiên cứu sáng tạo của cả nước và khu vực...”, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang chia sẻ.

Màn đêm dần buông, phố biển Nha Trang lung linh, rực rỡ ánh đèn màu. Nhìn từ xa, Nha Trang trong dáng hình một con phượng hoàng lửa với đôi cánh dang rộng lướt ra biển lớn. Vâng! Một tương lai rộng mở đang đón chờ Nha Trang!

XUÂN THÀNH