Năm 2022, cùng với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Năm 2022, cùng với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2022, ngành Y tế đã hoàn thành và đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Nổi bật là tỉnh đã kiểm soát được dịch Covid-19; số bác sĩ/10.000 dân đạt 11 người (vượt hơn 3 bác sĩ theo quy định); số giường bệnh/10.000 dân đạt 36 giường; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 7,12% (thấp hơn so với quy định 2,8%), thể thấp còi 8,25% (thấp hơn 1,7%); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 93,7%. Các cơ sở y tế trong tỉnh đã khám cho hơn 2,5 triệu lượt bệnh nhân (tăng 4,1% so với năm trước); điều trị nội trú 196.940 lượt (tăng 15,7%); phẫu thuật hơn 27.400 ca. Đồng thời, tiếp nhận và triển khai nhiều kỹ thuật mới từ tuyến trên chuyển giao về nội soi khớp vai, hủy u tại chỗ bằng vi sóng Microwaves; điều trị dị tật bẩm sinh hệ vận động; lấy sỏi thận qua đường hầm nhỏ…
Bên cạnh công tác điều trị, toàn ngành thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; dự phòng, như: Khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường cho hơn 8.000 người dân ở 20 xã, phường; sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung cho hơn 5.700 phụ nữ; hơn 76.100 lượt người được khám lao, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao đạt 94%...
Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc
Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2022, đại diện các cơ sở y tế cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là từ năm 2016 đến 2021, số chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt trần, vượt nguồn kinh phí, vượt tổng mức thanh toán tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa được Bảo hiểm xã hội tỉnh thanh toán với tổng số tiền hơn 398 tỷ đồng. Bác sĩ Phan Hữu Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Điều này gây khó khăn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng và các đơn vị khám, chữa bệnh trong tỉnh nói chung trong việc thanh toán tiền thuốc, vật tư, y tế, hóa chất cho các công ty cung cấp, dẫn tới nhiều công ty ngưng cung cấp hoặc cung cấp nhỏ giọt, ảnh hưởng đến việc chăm sóc bệnh nhân”.
Bác sĩ Phạm Tấn Đức - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Diên Khánh chia sẻ: “Bộ Y tế chưa cơ cấu giá dịch vụ công nghệ thông tin vào giá khám bệnh, chữa bệnh làm ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động khám, chữa bệnh. Việc triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân cũng khó thực hiện, vì phần mềm đang triển khai tại các cơ sở y tế do nhiều đơn vị khác nhau thực hiện nên chưa có sự chia sẻ kết nối”.
Cùng với đó, hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, chưa được đầu tư đúng mức; chưa có chính sách phù hợp đối với cán bộ y tế cấp cơ sở. Mức thu nhập của nhân viên ngành Y tế còn khá khiêm tốn, cộng với áp lực công việc dẫn tới tình trạng nghỉ việc và chuyển dịch từ khu vực công lập sang khu vực tư nhân khá phổ biến. Vì thế, các cơ sở y tế công lập khó tuyển được bác sĩ có tay nghề cao, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã, các lĩnh vực chuyên môn lao, ung bướu, tâm thần, giải phẫu bệnh, HIV/AIDS, nên ảnh hưởng đến công tác phát triển chuyên môn tại một số đơn vị…
Bác sĩ Bùi Xuân Minh kiến nghị: “Để ngành Y tế thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, UBND tỉnh nên tăng chỉ tiêu số lượng người làm việc (biên chế viên chức) và hợp đồng theo Nghị định số 68 của Chính phủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập (chưa tự chủ chi thường xuyên) trực thuộc Sở Y tế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; ưu tiên quỹ đất y tế. Các bộ, ngành Trung ương sớm điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế; Bộ Y tế cần kịp thời giải quyết các vướng mắc trong khám, chữa bệnh BHYT; có sự thống nhất chỉ đạo giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong hướng dẫn thanh quyết toán BHYT. Đồng thời, nên thống nhất sử dụng chung một phần mềm trong quản lý ngành; tăng thêm định biên cho y tế xã…
Năm 2023, nhiệm vụ ngành Y tế đặt ra là đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, chất lượng khám, chữa bệnh; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động… |
C.Đan