Mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Qua đó, góp phần làm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.
Mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Qua đó, góp phần làm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.
Trên thế giới có khoảng 1,1 tỷ người sử dụng thuốc lá. Hàng năm, có gần 6 triệu người trên toàn thế giới chết do hút thuốc lá, trong đó có hơn 5 triệu người chết do hút thuốc lá chủ động và hơn 600.000 người chết do hút thuốc lá thụ động. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh, trong đó có những bệnh nguy hiểm, như: Ung thư phổi, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có người hút thuốc cao nhất trên thế giới với gần một nửa nam giới trong độ tuổi trưởng thành hút thuốc lá. Hàng năm, nước ta có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.
Với những tác hại của thuốc lá, ngày 16-8-2012, Quốc hội đã thông qua Luật PCTHTL với những quy định mạnh mẽ về các giải pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để PCTHTL. Đây là một văn bản mang tính pháp lý cao điều chỉnh toàn diện về lĩnh vực PCTHTL.
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hoạt động PCTHTL là lĩnh vực cần có sự phối hợp liên ngành cao vì phải thực hiện từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều ngành khác nhau, như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể khác. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động PCTHTL chủ yếu được giao cho ngành Y tế, chưa phát huy được sự tham gia tích cực, chủ động của các sở, ngành liên quan. Nhân lực tham gia công tác PCTHTL là các cán bộ kiêm nhiệm, vì vậy, thời gian để đầu tư cho công tác này còn rất hạn chế. Mạng lưới cộng tác viên PCTHTL tại cộng đồng chủ yếu hoạt động theo các chương trình, dự án mà chưa được tổ chức một cách hệ thống. Nguồn tài chính cho công tác PCTHTL còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Hàng năm, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, quán triệt đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Luật PCTHTL. Nội dung chỉ đạo, quán triệt đã thực hiện theo đúng hướng dẫn chỉ đạo của các cơ quan Trung ương. Một số tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp thanh tra, kiểm tra và kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, tiêu hủy thuốc lá lậu bị tịch thu. Nhiều tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật PCTHTL tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn hàng năm. Từ đó, việc thực hiện luật đã được quán triệt cơ bản đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Theo kiến nghị của Bộ Y tế, thời gian đến, UBND các tỉnh, thành phố cần chủ trì, xây dựng quy chế về công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động PCTHTL, đặc biệt là xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này; phân công cụ thể trách nhiệm trong việc thực hiện quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần phải chủ động, tích cực tham mưu theo thẩm quyền cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTHTL ban hành các văn bản chỉ đạo toàn tỉnh triển khai nghiêm Luật PCTHTL.
Căn cứ kế hoạch hàng năm của tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch triển khai hoạt động PCTHTL; triển khai quyết liệt các quy định cấm hút thuốc lá tại các bệnh viện, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng; mở rộng mạng lưới tư vấn cai nghiện tại địa phương, nhất là tại tất cả bệnh viện, trung tâm y tế. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho các địa điểm tư vấn cai nghiện thuốc lá để tư vấn, điều trị cho người nghiện thuốc lá.
Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)