Qua gần 10 năm cả nước thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tỉnh Khánh Hòa đã có sự chuyển biến tích cực rõ rệt.
Qua gần 10 năm cả nước thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), tỉnh Khánh Hòa đã có sự chuyển biến tích cực rõ rệt.
Kết quả tích cực
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại các tỉnh, thành phố do Trường Đại học Y tế Công cộng cho thấy, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc từ 45,3% giảm xuống 42,3%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56,0%; tại nhà hàng, giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar, cà phê, trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%. Tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% lên và 72,2%.
Đặc biệt, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá vào năm 2020 đã có những chuyển biến rõ rệt, cao hơn năm 2015. Trong đó, 96% người tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi; 81% tin rằng hút thuốc lá gây đột quỵ; 77% tin rằng hút thuốc lá gây đau tim và 72% tin rằng hút thuốc lá gây ra cả 3 bệnh trên; có 65% người dân đã từng nghe tới Luật PCTHTL. Trong 2 năm 2019-2020, số lượng các đơn vị thực hiện nghiêm quy định môi trường không khói thuốc đạt được: 7.957 trường mẫu giáo, 7.846 trường tiểu học, 4.606 trường trung học cơ sở, 1.318 trường trung học phổ thông, 202 trường đại học, cao đẳng; 598 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; 4325 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà; 377 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và cấm hút thuốc trên xe khách; 371 khách sạn thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà; 513 nhà hàng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà.
Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống
Tại Khánh Hòa, khi Luật PCTHTL có hiệu lực từ tháng 5-2013, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện tốt Luật PCTHTL. Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa đã kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTHTL cấp tỉnh; xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho cơ quan thường trực, đơn vị đầu mối, các thành viên ban chỉ đạo (là cơ quan, tổ chức) và ban hành kế hoạch hành động hàng năm. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai đến từng cơ sở, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm thực hiện nghiêm Luật PCTHTL, trong đó có cả các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp...
Hàng năm, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đều tổ chức hưởng ứng Ngày Thế giới không khói thuốc 31-5, Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc 25 đến 31-5; hội thảo, hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật PCTHTL và hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc. Song song đó, ngành Y tế đã tổ chức các cuộc điều tra tại cộng đồng về tỷ lệ người hút thuốc lá; tích cực phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông về PCTHTL trên các phương tiện truyền thông, tại các đơn vị, cơ quan, trường học... Qua đó, từng bước giảm tỷ lệ hút thuốc, hướng đến hành vi bỏ hút thuốc và không hút thuốc lá trong cộng đồng. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong tỉnh đã tiến hành xây dựng các cơ quan, đơn vị không khói thuốc lá; ban hành các quy chế, đưa tiêu chuẩn không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy, quy chế thi đua hàng năm. Tại thôn, làng, bản ấp, tổ dân phố, nội dung PCTHTL được đưa vào hương ước, quy ước. Treo bảng cấm hút thuốc lá tại các địa điểm nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng và các địa điểm công cộng trong nhà khác. Tổ chức thi tìm hiểu về tác hại của các loại thuốc lá bằng hình thức thích hợp. Các đơn vị liên quan còn tích cực phối hợp thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, tiêu hủy thuốc lá lậu…
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng mỗi người hãy từ bỏ và nói không với thuốc lá trước khi quá muộn.
C.Đan