11:07, 25/07/2022

Công tác khám, chữa bệnh và phòng dịch: Thực hiện có hiệu quả

Mặc dù phải tập trung hầu hết nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, công tác khám, chữa bệnh và các hoạt động dự phòng, phòng, chống các dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được triển khai hiệu quả.

Mặc dù phải tập trung hầu hết nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, công tác khám, chữa bệnh và các hoạt động dự phòng, phòng, chống các dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được triển khai hiệu quả.


Kiểm soát được dịch bệnh


Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, 6 tháng qua, ngành Y tế đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu quan trọng đề ra như: Số bác sĩ/10.000 dân đạt 10,5 người (theo quy định 8 bác sĩ/10.000 dân); số giường bệnh/10.000 dân đạt 35,6 giường; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 7,4% (quy định dưới 10%), thể thấp còi 8,5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 92%...

 

Ê-kíp y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ê-kíp y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật cho bệnh nhân.


Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát; số ca mắc sốt xuất huyết giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái; số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm 32,6%; viêm não vi rút ghi nhận 1 ca, giảm 4 ca so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh đã triển khai tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt hơn 100%, mũi bổ sung đạt hơn 40%, mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt gần 54%, mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đạt 11,3%. Nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi tiêm đủ mũi 1 và mũi 2 đạt 100%, mũi 3 đạt hơn 21%. Nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi đã được tiêm mũi 1 đạt gần 43%, mũi 2 đạt 11,4%.


Song song đó, toàn ngành đã thực hiện khám bệnh cho hơn 1,2 triệu lượt người; điều trị nội trú cho hơn 84.000 lượt bệnh nhân; thực hiện gần 12.500 ca phẫu thuật. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị cho tuyến dưới, qua đó giúp cứu sống nhiều bệnh nhân. Cụ thể như: Kỹ thuật hồi sức tích cực - chống độc; phẫu thuật kết hợp xương bánh chè; trật khớp cùng đòn; nội soi ổ bụng; cắt túi mật nội soi; nuôi dưỡng đường tĩnh mạch trẻ sơ sinh non tháng nhẹ cân; cấp cứu chấn thương sọ não… Đồng thời, đơn vị tiếp nhận và triển khai thành công những kỹ thuật từ bệnh viện tuyến Trung ương, như: Phẫu thuật nội soi khớp gối, vai, hủy u tại chỗ bằng vi sóng Microwaves; can thiệp tim bẩm sinh; lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ…


Các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe người dân, tiêm chủng mở rộng, an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số kế hoạch hóa gia đình… được ngành triển khai đạt và vượt một số chỉ tiêu.


Vẫn còn nhiều khó khăn


Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, hoạt động của ngành Y tế gặp nhiều khó khăn. Tại hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, bác sĩ Phan Hữu Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, hiện nay, khó khăn mà các bệnh viện gặp phải đó là công tác đấu thầu thuốc. Công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế ở các cơ sở y tế cũng gặp nhiều vướng mắc... Điều này ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh ở các đơn vị.


Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc trong việc thực hiện khám, chữa bệnh BHYT đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, các quy định của Bộ Y tế về quy trình nhân sự kỹ thuật thận nhân tạo, chi phí gây mê và gây tê trong phẫu thuật đã gây khó khăn cho cơ sở y tế nhưng chưa được Bộ Y tế giải quyết kịp thời. Một số hướng dẫn thực hiện Luật BHYT còn chậm, vướng mắc về cơ chế, quy trình dẫn tới các đơn vị gặp khó trong việc tổ chức thực hiện. Hiện nay, số chi khám, chữa bệnh BHYT vượt trần, vượt nguồn kinh phí, vượt tổng mức thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chưa được Bảo hiểm xã hội tỉnh thanh toán với tổng số tiền hơn 284,6 tỷ đồng. Điều này dẫn tới tình hình thanh toán tiền thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các bệnh viện cho các công ty cung ứng gặp nhiều khó khăn. Do không có kinh phí để thanh toán nên nhiều công ty đã ngừng cung cấp cho các đơn vị.


Mặt khác, nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch ngày càng tăng, tuy nhiên, chỉ tiêu biên chế và hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đều phải giảm hàng năm. Bộ Y tế chưa đưa cơ cấu giá dịch vụ công nghệ thông tin và giá khám, chữa bệnh nên ảnh hưởng đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của ngành Y tế. Chế độ và chính sách thu hút, giữ chân nhân tài, đặc biệt là bác sĩ hiện tại của tỉnh còn hạn chế, chưa hấp dẫn. Các cấp chưa thống nhất và đồng bộ hóa trong việc ứng dụng các hệ thống phần mềm quản lý, làm các đơn vị phải thêm việc, mất thời gian và gặp nhiều khó khăn…


Bác sĩ Bùi Xuân Minh kiến nghị: “Ngành Y tế đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh tăng chỉ tiêu, số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế; tăng cường cơ sở vật chất cho các đơn vị y tế công lập đã xuống cấp; có chế độ thu hút, giữ chân bác sĩ thật sự khả thi; tạo điều kiện thuận lợi để 2 bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang và Ung bướu sớm đi vào hoạt động. Bộ Y tế cần sớm giải quyết kịp thời những vướng mắc trong khám, chữa bệnh BHYT; nghiên cứu và thống nhất ứng dụng chung một phần mềm”.


Những tháng cuối năm, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai tốt công tác phòng, chống dịch, các chương trình thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, y tế cơ sở. Đồng thời, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; phát triển nguồn lực và tổ chức bộ máy; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hội nhập và hợp tác quốc tế…


Thảo Ly