11:06, 30/06/2022

Diệt muỗi, lăng quăng, phòng, chống muỗi đốt để phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đang gia tăng nhanh, hiện đã có khoảng 77.000 người mắc, 30 trường hợp tử vong. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phải vừa chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, tránh để dịch chồng dịch.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở nước ta đang gia tăng nhanh, hiện đã có khoảng 77.000 người mắc, 30 trường hợp tử vong. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phải vừa chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực phòng, chống SXH và các dịch bệnh khác, tránh để dịch chồng dịch.


Dịch sốt xuất huyết có khả năng tiếp tục gia tăng


Hiện nay đang là cao điểm mùa dịch SXH, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Nguyên nhân do dịch SXH có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng phát triển. Trong khi đó, ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

 

Chi đoàn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham gia phong trào thanh niên tình nguyện “Phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ vệ sinh môi trường” tại Ninh Hòa.

Chi đoàn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham gia phong trào thanh niên tình nguyện “Phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ vệ sinh môi trường” tại Ninh Hòa.


Bộ Y tế dự báo số ca mắc SXH thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tại buổi tập huấn toàn quốc về tăng cường công tác điều trị SXH do Bộ Y tế tổ chức giữa tuần qua, các chuyên gia nhấn mạnh, dịch SXH bùng phát trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh mà tự theo dõi; khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh đã chuyển nặng, gây khó khăn trong công tác điều trị. Các chuyên gia cũng cho hay, năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn. Do vậy, khi nghi ngờ mắc bệnh SXH, người dân cần sớm đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị.


Tích cực triển khai các giải pháp phòng bệnh


Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 700 trường hợp mắc SXH, không có trường hợp tử vong. Số ổ dịch được phát hiện và xử lý là 29 ổ dịch. Các địa phương có số ca mắc SXH cao, trên 100 ca gồm: Thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh, TP. Nha Trang. Số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng lên từ cuối tháng 4; đặc biệt ở thị xã Ninh Hòa, số ca mắc tháng 5 tăng hơn 4 lần so với tháng 4. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đang thực hiện giám sát chặt chẽ ca bệnh SXH; cập nhật theo dõi hàng ngày, phát hiện các ổ dịch sớm để xử lý kịp thời; tăng cường công tác truyền thông, hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH; triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động phòng chống SXH tại các thôn, tổ đang có ổ dịch.


Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết, SXH có biểu hiện như: Chấm xuất huyết dưới da, nôn ra máu, tiểu ra máu… Đối với các trường hợp sốc, có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm nhanh dưới 100k/microL, trẻ thừa cân béo phì, phụ nữ có thai, bệnh lý nền… sẽ được chỉ định nhập viện điều trị. Với trường hợp điều trị ngoại trú, đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, sử dụng 3-4 lần/ngày, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Bên cạnh đó, người bệnh uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu và tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết) và thường xuyên tái khám. Khi mắc SXH và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.


Cách phòng bệnh SXH tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng, chống muỗi đốt. Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, xí nghiệp, trường học… tích cực và nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH theo hướng dẫn của ngành Y tế.


Quế Lâm

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)