11:05, 26/05/2022

Cảnh giác đứt gân gót chân trong sinh hoạt

Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang tiếp nhận nhiều trường hợp bị đứt gân gót chân. Đáng chú ý, có một số trường hợp không đến bệnh viện thăm khám sớm, gây nhiều tổn thương cho bệnh nhân.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang tiếp nhận nhiều trường hợp bị đứt gân gót chân. Đáng chú ý, có một số trường hợp không đến bệnh viện thăm khám sớm, gây nhiều tổn thương cho bệnh nhân.


Gân gót chân (gân achilles) là một trong những gân quan trọng nhất trong việc di chuyển, đi lại, đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động chạy, nhảy xa, bật cao. Nếu chịu tải một lực căng quá mức hoặc tổn thương trực tiếp từ bên ngoài, gân achilles có thể bị rách, đứt một phần hay hoàn toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và khả năng lao động, sinh hoạt thường ngày của người bệnh.

 

Kiểm tra gót chân của bệnh nhân sau phẫu thuật.

Kiểm tra gót chân của bệnh nhân sau phẫu thuật.


Tối 23-5, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang tiếp nhận trường hợp chị T.T.N.P (41 tuổi, TP. Nha Trang) nhập viện cấp cứu với vết thương dài vùng gót chân phải do bị mảnh vỡ của chai cắt vào. Ngay khi thăm khám và xác định bệnh nhân bị đứt bán phần gân achilles, bác sĩ chuyên khoa I Võ Nguyên Vũ - Giám đốc Quản trị chất lượng của bệnh viện đã tiến hành nối gân gót chân cho chị P. Bệnh nhân sau đó được chăm sóc tại Khoa Ngoại kết hợp với tập vật lý trị liệu để phục hồi. Tuy nhiên, phải sau vài tuần bệnh nhân mới có thể sinh hoạt bình thường.


Bác sĩ Vũ cho biết, bệnh viện gặp nhiều trường hợp chấn thương đứt gân gót chân do tai nạn trong sinh hoạt, lao động và quá trình chơi thể thao. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp đến muộn do chủ quan cố chịu đau hoặc tự mua thuốc về dùng, một thời gian sau không chịu được mới đi bệnh viện, làm cho tổn thương nặng hơn. Như trường hợp anh N.V. H. (thị xã Ninh Hòa) trong quá trình chơi thể thao, do vận động mạnh bị rách gân gót chân nhưng chủ quan không đi thăm khám dẫn đến hoại tử, gây khó khăn hơn trong điều trị.


Phương pháp điều trị đứt gân achilles phụ thuộc vào độ tuổi, nhu cầu hoạt động của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Bệnh nhân lớn tuổi, ít có nhu cầu vận động, hoặc có chống chỉ định phẫu thuật có khả năng chọn điều trị bảo tồn không mổ để tránh những rủi ro liên quan đến phẫu thuật. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp không phẫu thuật là tăng khả năng gân không liền hoặc đứt lại, quá trình hồi phục mất nhiều thời gian hơn. Đối với người trẻ tuổi và người có nhu cầu hoạt động nhiều hơn, đặc biệt là vận động viên, có xu hướng điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, phục hồi lại gân achilles đứt. Quá trình phẫu thuật được thực hiện bằng việc rạch một đường mổ ở phía sau gót chân và khâu phục hồi phần gân rách. Ở một số trường hợp mất đoạn gân lớn, việc tái tạo có thể được gia cố, ghép đoạn bằng các gân khác. Phẫu thuật nối gân achilles được xem là một trong những kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn, giảm thiểu các rủi ro có thể gặp phải trong và sau quá trình phẫu thuật.


Theo bác sĩ Vũ, đứt gân gót chân là tổn thương có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là những người chơi thể thao: chạy, nhảy xa, bật cao… có khả năng mất toàn bộ chức năng đi lại của chân nếu không được điều trị kịp thời. Do vậy, nếu xuất hiện những triệu chứng như: Khó khăn trong đi lại; sưng và phù nề ở vùng gót chân lan đến bắp chân; không thực hiện được tư thế nhón gót chân ở chân bị tổn thương; cảm giác đau nhói vùng dưới bắp chân xuất hiện đột ngột… người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để tổn thương nặng thêm.


Hiện tại, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh lý về chấn thương chỉnh hình và cơ xương khớp, trong đó có nối gân gót chân. Qua đó, giúp người bệnh nhanh phục hồi, trở lại với cuộc sống; là một trong những địa chỉ tin cậy để thăm khám sức khỏe cho người dân.

 

Để giúp phòng ngừa nguy cơ tổn thương gân achilles, người dân tích cực tập căng giãn các cơ bắp chân bằng bài tập kéo bàn chân về phía mu chân, giúp cải thiện sức mạnh của bắp chân, đồng thời giúp cơ và gân hấp thụ nhiều lực hơn, ngăn ngừa khả năng chấn thương; thay thế các môn thể thao có cường độ vận động vùng gót cao bằng các môn có cường độ thấp hơn như đạp xe tại chỗ hoặc bơi; hạn chế tối đa các vận động gây căng thẳng quá mức lên gân achilles như các môn chạy trên đường dốc, trên bề mặt quá cứng hoặc trơn trượt; chuẩn bị trang phục thể thao phù hợp trong thời tiết lạnh, lựa chọn giày thể thao vừa vặn với đệm lót ở gót chân; điều chỉnh cường độ luyện tập từ từ, tăng khoảng cách, thời lượng và tần suất luyện tập.


Ngọc Đan