10:12, 06/12/2021

Mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng: Coi chừng tiền mất, tật mang

Những ngày qua, khi số ca mắc mới Covid-19 ở tỉnh Khánh Hòa tăng cao, nhiều người dân lo lắng, săn lùng mua thuốc điều trị để dự trữ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Sở Y tế, hiện nay, tất cả các loại thuốc điều trị Covid-19 ở trong nước đang ở dạng nghiên cứu thử nghiệm, chưa được Bộ Y tế cấp phép.  

Những ngày qua, khi số ca mắc mới Covid-19 ở tỉnh Khánh Hòa tăng cao, nhiều người dân lo lắng, săn lùng mua thuốc điều trị để dự trữ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Sở Y tế, hiện nay, tất cả các loại thuốc điều trị Covid-19 ở trong nước đang ở dạng nghiên cứu thử nghiệm, chưa được Bộ Y tế cấp phép.  


Bán tràn lan trên mạng


Khi biết được nhà bên cạnh có F0, anh Nguyễn Hồng Q. (phường Phước Long, TP. Nha Trang) rất lo lắng. Do sợ gia đình có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào nên anh Q. đã lên mạng tìm mua các loại thuốc điều trị Covid-19 để phòng ngừa. Sau khi được giới thiệu và chào bán nhiều loại với xuất xứ ở nhiều nước khác nhau, anh Q. quyết định chọn mua thuốc Molnupiravir xuất xứ Ấn Độ với giá 6 triệu đồng/hộp. Anh Q. chia sẻ: “Bố mẹ tôi tuy đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng đều lớn tuổi, có bệnh nền nên tôi cũng sợ, đặt mua dự trữ sẵn cho an tâm. Người bán cam kết là hàng xách tay, thuốc sản xuất theo dạng chuyển giao công nghệ. Theo đơn hàng, dự kiến tuần sau tôi sẽ nhận được thuốc”.

 

 Cán bộ y tế xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh chuẩn bị thuốc điều trị tại nhà cho F0.

Cán bộ y tế xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh chuẩn bị thuốc điều trị tại nhà cho F0.


Theo chỉ dẫn của anh Q., chúng tôi gõ “mua thuốc điều trị Covid-19” trên thanh tìm kiếm facebook, zalo xuất hiện hàng chục kết quả hội, nhóm kín, nhóm công khai mua, bán các thuốc điều trị bệnh Covid-19 như: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir của Mỹ, Nga, Đức đến Ấn Độ, Bangladesh… Trong đó, được tìm mua và rao bán nhiều nhất là thuốc Molnupiravir của Ấn Độ. Tùy theo nước sản xuất, giá thành thuốc Molnupiravir chênh lệch từ 3,6 triệu đồng đến 13,5 triệu đồng/hộp; thuốc Favipiravir dao động từ 3 đến 6 triệu đồng/hộp…

 

Khi người mua thắc mắc, liệu thuốc bán có giống loại Molnupiravir đang được Bộ Y tế cấp phát để điều trị cho F0 tại các cơ sở y tế và tại nhà hay không thì hầu hết người bán đều cam đoan tất cả đều là Molnupiravir, nhưng loại miễn phí do Việt Nam sản xuất, còn hàng bán là hàng nhập khẩu, được sản xuất theo dạng chuyển giao công nghệ, đảm bảo về chất lượng. Thậm chí còn khẳng định, hàng nhập khẩu có hiệu quả vượt trội hơn loại cấp phát của Việt Nam. Theo người bán, thuốc được đóng gói trong vỉ, hộp do đó không thể bán lẻ.


Không nên mua thuốc trôi nổi


Theo bác sĩ Lê Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện nay, trong cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng, thuốc kháng vi rút có tác dụng giảm tải lượng vi rút theo quy định của Bộ Y tế thực hiện điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19, có nhiều loại thuốc. Tại Khánh Hòa, Bộ Y tế đã cấp 13.250 lọ thuốc kháng vi rút Remdesivir dạng tiêm để điều trị cho bệnh nhân mức độ vừa và nặng; riêng thuốc Molnupiravir đang nằm trong chương trình thí điểm giai đoạn ba của Bộ Y tế, chưa được cấp phép. Đến tháng 11, có 22 địa phương, trong đó có Khánh Hoà được cấp phát sử dụng thí điểm thuốc Molnupiravir 400mg dạng viên để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ.

 

Thuốc Molnupiravir (ảnh minh hoạ)

Thuốc Molnupiravir (ảnh minh hoạ)

 

Giữa tháng 11, tỉnh Khánh Hòa thành lập các trạm y tế lưu động để triển khai điều trị F0 tại nhà. Theo đó, các túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà được chia thành 3 túi: A, B, C. Trong đó, túi thuốc C (Molnupiravir) là thuốc đang thử nghiệm, chưa cấp phép, chưa được bán ra ngoài thị trường. Thuốc Molnupiravir điều trị cho bệnh nhân F0 tại nhà đều được cấp phát miễn phí, có mã số riêng, có các tiêu chuẩn kiểm soát rất chi tiết, chặt chẽ như: chống chỉ định với F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận… Thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định, theo dõi chặt chẽ của bác sĩ và sự đồng thuận của bệnh nhân.


Bác sĩ Khoa cho biết: “Theo quy định tại tỉnh, khi bệnh nhân dùng thuốc Molnupiravir đều có sự giám sát của bác sĩ. Vì thế, tất cả các thuốc Molnupiravir đang được quảng cáo, rao bán trên các trang mạng xã hội là bất hợp pháp và rất dễ làm giả. Người dân không nên có tâm lý mua để dự trữ khi cần bởi sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu sử dụng thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc”.


Với thực trạng thuốc điều trị bệnh Covid-19 đang được mua bán tràn lan trên mạng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cảnh báo, hiện nay, bất cứ các loại thuốc nào đang được quảng cáo và rao bán như: Molnupiravir, Favipiravir và Remdesivir đều là trái phép, vì các thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành và mới chỉ được đưa vào sử dụng thí điểm có kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Do đó, Cục Quản lý Dược đề nghị lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh lưu hành thuốc điều trị Covid-19 nói chung, thuốc có dược chất Molnupiravir nói riêng.


Theo khuyến cáo của các bác sĩ, mua thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi trên mạng xã hội, người bệnh không chỉ mất số tiền lớn, mà còn có thể đối diện với những hiểm họa khó lường.


C.Đan