09:05, 06/05/2021

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Cùng với dịch Covid-19, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp. Để tránh dịch chồng dịch, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2021. Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết:

Cùng với dịch Covid-19, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp. Để tránh dịch chồng dịch, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2021. Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết:

 


- Mục tiêu của kế hoạch là dự phòng, ngăn chặn, cảnh báo sớm và ứng phó kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, tái nổi; huy động sự tham gia, cũng như xác định vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm của các cấp lãnh đạo đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân trong phòng bệnh và chủ động tham gia xử lý khi có dịch; bảo đảm đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh ở các tuyến…


- Xin ông cho biết các chỉ tiêu cụ thể kế hoạch đề ra?


- Kế hoạch đề ra chỉ tiêu: 100% địa phương bảo đảm xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; 100% dịch bệnh mới phát sinh và các ổ dịch được phát hiện sớm, xử lý dập dịch kịp thời; 90% cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch bệnh được tập huấn về công tác này; 100% các cơ sở y tế thực hiện báo cáo bằng phần mềm trực tuyến và các hình thức khác; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định; giảm 8% số mắc bệnh truyền nhiễm phổ biến so với giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, số ca mắc/100.000 dân của sốt xuất huyết dưới 482 ca; tay chân miệng dưới 149 ca; zika dưới 0,1 ca; viêm não vi rút dưới 0,4 ca; bệnh sởi dưới 5 ca; bạch hầu dưới 0,05 ca; uốn ván dưới 1 ca; không để mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả; giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, không để cúm A (H5N1, H7N9), Covid-19 và các dịch bệnh khác bùng phát, lan rộng thành dịch.


- Để đạt được các chỉ tiêu nói trên, các cấp, ngành, địa phương, nhất là ngành Y tế phải tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch như thế nào, thưa ông?


- Các cấp ủy đảng, chính quyền phải đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra giám sát hoạt động phòng, chống dịch. Ngành Y tế sẽ tăng cường lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên; đồng thời, phối hợp liên ngành, đoàn hội để huy động lực lượng này tham gia chống dịch bệnh, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, zika, tay chân miệng… ngay tại hộ gia đình và cộng đồng; đẩy mạnh công tác giám sát, xử lý dịch từ tuyến tỉnh đến xã, phường; giám sát chặt tình hình dịch bệnh ở tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng, qua đó phát hiện sớm, xử lý các ổ dịch mới, không để dịch bùng phát. Cùng với đó, ngành Y tế duy trì công tác tiêm vắc xin cho trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng của dự án tiêm chủng mở rộng với số trẻ được tiêm đạt hơn 95%; kiện toàn các đội cơ động phòng, chống dịch; tăng cường năng lực điều trị tại các tuyến cơ sở; đẩy mạnh truyền thông…


- Hiện nay, ngoài dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh, tình hình sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp. Ông có thể cho biết, kế hoạch cụ thể phòng, chống 3 dịch bệnh này?


- Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì thế, để bảo đảm phát triển mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, kế hoạch đề ra giải pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh bằng cách tiếp tục cách ly y tế tất cả các trường hợp nhập cảnh, nâng cao năng lực xét nghiệm; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết, khai báo y tế; tuyên truyền để người dân thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi có nguồn vắc xin phòng Covid-19, tỉnh sẽ khẩn trương triển khai tiêm trong toàn dân; tùy theo cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh sẽ nhanh chóng áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp…


Để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, cần tăng cường sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự diệt lăng quăng, dọn vệ sinh phòng bệnh tại nhà. Ngành Y tế thiết lập đường nóng để giải đáp thắc mắc hướng dẫn các biện pháp phòng dịch; duy trì việc diệt lăng quăng 1 tuần/lần tại những nơi có nguy cơ cao bùng phát dịch; 2 tuần/lần ở nơi có chỉ số lăng quăng cao và các nơi khác 1 tháng/lần. Các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, thuốc men để xử lý, chống dịch tại chỗ và tiếp nhận điều trị kịp thời, giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong.


- Xin cảm ơn ông!


THẢO LY (Thực hiện)