10:03, 08/03/2021

Can thiệp nội mạch thần kinh: Giải pháp tối ưu điều trị tắc mạch máu não

Thông qua Đề án chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới (1816), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa được Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật can thiệp nội mạch thần kinh. Đây là phương pháp hiện đại, điều trị tổn thương phức tạp của mạch máu não đạt hiệu quả và độ an toàn cao.

Thông qua Đề án chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới (1816), Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa được BV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật can thiệp nội mạch thần kinh. Đây là phương pháp hiện đại, điều trị tổn thương phức tạp của mạch máu não đạt hiệu quả và độ an toàn cao.


Phương pháp tiên tiến, hiện đại


Bệnh nhân Lưu Ngọc H. (26 tuổi, TP. Nha Trang) nhập BVĐK tỉnh trong tình trạng tỉnh táo nhưng đau đầu, nôn ói nhiều. Qua chụp CT và một số kỹ thuật cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị rò động tĩnh mạch màng não cứng dẫn tới xuất huyết não. Qua hội chẩn với ê-kíp bác sĩ BV Đại học Y được, bệnh nhân H. được chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch ngay tại BVĐK tỉnh. Dưới sự can thiệp trực tiếp từ ê-kíp bác sĩ BV Đại học Y dược, bệnh nhân H. được điều trị thành công, sức khỏe sau can thiệp ổn định, được xuất viện sau 3 ngày điều trị và hết các triệu chứng đau đầu, nôn mửa. Bệnh nhân H. cho biết: “Tôi bị triệu chứng trên khá lâu, đã vào 3 BV lớn ở TP. Hồ Chí Minh để khám nhưng chưa có BV nào phát hiện được bệnh của tôi, chỉ cho thuốc uống”.

 

Ê-kíp bác sĩ 2 bệnh viện thực hiện phương pháp can thiệp nội mạch thần kinh cho bệnh nhân.

Ê-kíp bác sĩ 2 bệnh viện thực hiện phương pháp can thiệp nội mạch thần kinh cho bệnh nhân.


Bác sĩ chuyên khoa I ngoại thần kinh Trần Quốc Tuấn - BV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, người chuyển giao trực tiếp kỹ thuật cho biết, thực hiện Đề án 1816, 2 BV ký kết phối hợp chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị, trong đó có can thiệp nội mạch thần kinh. Phương pháp này được áp dụng trên thế giới từ 4 - 5 năm nay và đã được triển khai ở một số BV tuyến Trung ương của Việt Nam, được dùng để điều trị bệnh lý đột quỵ tắc mạch máu não lớn ở những bệnh nhân bị xuất huyết não có bất thường mạch máu não; do túi phình; rò động tĩnh mạch. Với phương pháp này, bác sĩ không cần phẫu thuật, thông qua một ống thông đặt tại động mạch đùi, kỹ thuật viên sẽ đưa một stent kim loại mềm, mỏng và mắt lưới dày theo đường động mạch lên tới đoạn máu phình ở não. Sau đó, đặt stent chắn ngang qua chỗ túi phình làm cho dòng máu đi vào và đi ra khỏi túi phình bị hạn chế tối đa. Nhờ đó, máu đông hình thành trong lòng túi phát triển dần dần từ đáy lên cổ túi, làm đông đặc toàn bộ túi phình, triệt tiêu nguy cơ chảy máu não do vỡ túi phình. Đối với các túi phình động mạch não kích thước lớn > 10mm, nhất là túi phình > 25mm, sau điều trị túi phình có thể teo nhỏ lại, các triệu chứng chèn ép não và dây thần kinh sẽ giảm theo và hết.


Đây là một thành công trong điều trị tổn thương mạch máu não phức tạp bằng ứng dụng công nghệ tiên tiến của y học hiện đại. Trước kia, khi chưa có phương pháp này, các bệnh nhân chỉ được điều trị bằng thuốc, tuy nhiên tỷ lệ điều trị đạt thấp hoặc phải phẫu thuật hở. Đối với phương pháp này, tỷ lệ điều trị thông mạch máu đạt hơn 90%. Ưu điểm của nó là ít xâm lấn nên nguy cơ biến chứng thấp; do không phẫu thuật nên mức độ an toàn cao, có thể ra viện sau 2 đến 3 ngày. Phương pháp này chỉ áp dụng tốt nhất cho những trường hợp bệnh nhân đến BV kịp trong thời kỳ vàng (24 giờ sau khi bị vỡ túi phình mạch máu não, tốt và hiệu quả nhất là trước 6 giờ).


Chuyển giao kỹ thuật


Bác sĩ Nguyễn Minh Phước - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BVĐK tỉnh cho biết, ngay sau khi ký kết hợp tác, có 3 bác sĩ của BV được đào tạo phương pháp này tại BV Đại học Y được theo hình thức cầm tay chỉ việc. Sau hơn 1 năm học việc, để nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ của BVĐK tỉnh, ê-kíp bác sĩ BV Đại học Y dược sẽ ra Khánh Hòa để chuyển giao và thực hiện can thiệp trực tiếp khi có bệnh nhân. Kỹ thuật này được thanh toán một phần bảo hiểm y tế.


Theo lộ trình chuyển giao kỹ thuật, trong vòng 5 năm tới, ê-kíp bác sĩ BV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh sẽ chuyển giao theo hình thức cầm tay chỉ việc trực tiếp tại BVĐK tỉnh. Sau chuyển giao, đội ngũ y, bác sĩ ở BVĐK tỉnh sẽ thực hiện được 80% ca bệnh, đối với những ca khó sẽ được chuyển vào BV Đại học Y dược để điều trị. Sau đó, tùy tình hình thực tế sẽ tiếp tục chuyển giao chuyên sâu hơn.


Theo bác sĩ Tuấn: “Để thực hiện được kỹ thuật này, BV phải được trang bị máy chụp mạch máu số hóa xóa nền và một số trang thiết bị thiết yếu khác. Đồng thời, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh rất quan trọng. Hiện tại, trang thiết bị tại BVĐK tỉnh tương đối đầy đủ, đội ngũ nhân lực trẻ, cầu tiến nên tôi tin kỹ thuật trên sẽ được triển khai đúng lộ trình”.


Hiện nay, bệnh lý này xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt ở những bệnh nhân dưới 45 tuổi khi bị xuất huyết não hơn 90% có bất thường về mạch máu não. Việc tiếp nhận kỹ thuật trên vừa giúp đội ngũ y, bác sĩ BVĐK tỉnh nâng cao tay nghề, vừa giúp người dân ở tỉnh hưởng được các kỹ thuật tuyến trên tại tỉnh, được điều trị kịp thời, không phải đi xa, tốn kém chi phí.


C.Đan